Cách ăn uống giúp mẹ bầu ít mắc bệnh vặt Leave a comment

Mẹ bầu dễ bị suy giảm đề kháng, ưu tiên dùng thực phẩm giàu đạm, chất xơ, vitamin C, D, sắt, kẽm, axit folic, phospho… giúp nâng cao sức khỏe.

Giải thích lý do mẹ bầu thường nhạy cảm với tác nhân gây bệnh nhiễm trùng do sức đề kháng kém, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai – Giám đốc Y khoa Nutrihome miền Bắc cho biết, với 50% vật chất di truyền có nguồn gốc từ người cha, theo lý thuyết, thai nhi sẽ bị hệ thống miễn dịch của mẹ “đào thải” tương tự như việc cấy ghép bộ phận, vật liệu lạ vào cơ thể. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của người mẹ sẽ ức chế hoạt động này lên thai nhi và vẫn giữ được chức năng miễn dịch bình thường của cơ thể.

Dù vậy, sự xuất hiện của thai nhi cũng gây ra những thay đổi, ảnh hưởng nhất định đến các phản ứng miễn dịch của cơ thể người mẹ, nhất là đối với nhiễm trùng. Do đó, trong thai kỳ, mẹ bầu thường sẽ nhạy cảm hơn với một số tác nhân gây bệnh bao gồm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.





Dinh dưỡng đúng sẽ giúp mẹ bầu nâng cao đề kháng, giảm thiểu mắc bệnh nhiễm trùng. Ảnh Shutterstock.

Dinh dưỡng đúng sẽ giúp mẹ bầu nâng cao đề kháng, giảm thiểu mắc bệnh nhiễm trùng. Ảnh: Shutterstock.

Để tăng cường hệ miễn dịch giúp mẹ bầu khỏe mạnh, ít bệnh vặt, thai nhi phát triển tốt, ngoài lưu ý về nghỉ ngơi điều độ, vận động nhẹ, bác sĩ Mai khuyên thai phụ nên thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, đa dạng dưỡng chất, tăng cường ăn thực phẩm tăng sức đề kháng trong suốt thai kỳ. Cụ thể, mẹ bầu nên ăn cân đối nhóm thực phẩm sau:

Thực phẩm chứa nhiều tinh bột: ví dụ như gạo, ngô, khoai, sắn, ngũ cốc… Đây là một trong những nhóm thực phẩm chính giúp cung cấp năng lượng, các loại vitamin, khoáng chất như sắt, axit folic cần thiết cho sự phát triển của thai, sự tăng cân của mẹ.

Thực phẩm giàu đạm: dưỡng chất có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại hạt, đậu đỗ… Đạm cũng nằm trong danh sách các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng nhất, giúp cơ thể tăng trưởng, hoàn thiện chức năng miễn dịch, chuyển hóa, giúp tăng sức đề kháng cho bà bầu, thai nhi.

Ngoài ra, những loại thực phẩm giàu protein đồng thời cung cấp khoáng chất như canxi, phospho, vitamin D, sắt, kẽm… giúp hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi, tránh loãng xương cho mẹ.

Thực phẩm giàu chất xơ: bao gồm rau xà lách, bông cải, rau cải, cà rốt, bí đỏ… Các loại rau, củ, trái cây là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất dồi dào, hỗ trợ tốt chức năng miễn dịch của cơ thể, sức khỏe hệ tiêu hóa của mẹ bầu.

Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: các loại rau củ tự nhiên (rau bina, ớt chuông, cà chua, cà rốt, khoai lang…) và trái cây (dưa hấu, cam, bưởi, hồng, chuối. mận khô…) giúp cung cấp vitamin A, C, canxi, kẽm, kali,… Sữa chua không béo hoặc ít béo, sữa đậu nành giúp cung cấp canxi, kali, vitamin A và D. Ngoài nguồn thực phẩm tự nhiên, mẹ bầu cũng có thể bổ sung thêm các nguyên tố vi lượng từ viên uống theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho thai kỳ giúp tăng cường sức khỏe, thai nhi phát triển tối ưu.

Ăn đa dạng các loại thực phẩm: cụ thể như rau củ, trái cây, ngũ cốc, các loại thịt, cá, hải sản, các loại hạt và đậu… Thai kỳ là giai đoạn thiêng liêng nhưng cũng đầy “mệt mỏi” với phụ nữ, vì cơ thể xảy ra nhiều thay đổi, trong đó có khẩu vị. Phần lớn các mẹ thường bị ốm nghén không thể ăn uống được nhiều dẫn đến thiếu dưỡng chất.

Việc ăn đa dạng các loại thực phẩm tự nhiên sẽ giúp mẹ bầu ăn ngon miệng, đảm bảo các nhóm dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, hỗ trợ hoạt động của hệ thống miễn dịch, sự phát triển của thai nhi.

Uống đầy đủ nước mỗi ngày: nước đun sôi để nguội, nước trái cây tươi, nước canh, sữa…. Mẹ bầu cần uống từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ quá trình chuyển hóa, miễn dịch hoạt động tốt trong cơ thể.





Phó giáo sư Lê Bạch Mai đang khám, tư vấn dinh dưỡng cho mẹ bầu tại Nutrihome: Ảnh: Nutrihome.

Phó giáo sư Lê Bạch Mai đang khám, tư vấn dinh dưỡng cho mẹ bầu tại Nutrihome: Ảnh: Nutrihome.

Tuy nhiên, mẹ bầu cũng cần tránh ăn các thực phẩm không tốt cho sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, suy giảm sức đề kháng như: sữa chưa tiệt trùng, thực phẩm làm từ sữa chưa tiệt trùng (pho mát mềm, tươi), xúc xích, thịt nguội, hải sản sống/nấu chưa chín, pate, thịt đông lạnh hay thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường, muối, chất béo, chất bảo quản…

“Bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, trong suốt thai kỳ mẹ bầu có thể áp dụng các bài tập thể dục nhẹ nhàng. Chị em giữ tinh thần thoải mái tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc để hỗ trợ tốt sự phát triển của thai nhi, hệ miễn dịch hoạt động một cách tốt nhất”, bác sĩ Mai cho biết thêm.

Bình An

Trả lời