Cách bảo vệ gan khi uống rượu bia mùa SEA Games Leave a comment

Ăn bánh mì, món giàu chất béo trước khi xem đá bóng; tránh pha rượu bia với nước ngọt mà nên uống xen kẽ nước lọc để hạn chế hại gan.

Bác sĩ Lê Văn Điềm (Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, khi rượu bia vào cơ thể, chỉ khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường tiểu, mồ hôi và hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa và giải độc tại gan. Nếu cùng lúc uống quá nhiều rượu bia, gan không kịp sản xuất đủ lượng men giải độc sẽ khiến các chất cồn ứ đọng trong cơ thể, làm kích hoạt tế bào kupffer hoạt động quá mức, sản sinh nhiều chất gây viêm có hại. Về lâu dài, tế bào gan sẽ bị hủy hoại và gây các bệnh lý nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, viêm gan, tăng men gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Bác sĩ Điềm chia sẻ thêm, uống rượu bia không có ngưỡng nào là an toàn nên cần hạn chế tối đa. Nếu có uống thì cũng không nên vượt quá hai đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới, một đơn vị cồn mỗi ngày đối với nữ giới. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).





Nam giới thường uống rượu bia cùng bạn bè khi cổ vũ các trận đấu bóng đá. Ảnh: Shutterstock

Nam giới thường uống rượu bia cùng bạn bè khi cổ vũ các trận đấu bóng đá. Ảnh: Shutterstock

Rượu bia tạo gánh nặng giải độc của gan nhưng đôi lúc bạn khó từ chối, nhất sau những trận cầu đội nhà ở SEA Games. Dưới đây là một số lưu ý trước, trong và sau khi uống rượu bia để giảm mức thấp nhất khả năng hại gan và sức khỏe theo tư vấn của bác sĩ Điềm.

Trước khi uống rượu bia

Dùng món ăn giàu chất béo và bánh mì: bơ, phô mai hay bánh mì tạo ra lớp bông thấm phía trong bao tử giúp làm chậm lại quá trình hấp thụ bia rượu và hạn chế khả năng gây tổn hại đến gan.

Uống sữa: tương tự các món ăn giàu chất béo, sữa có thể làm cho quá trình hấp thụ bia rượu bị làm chậm lại. Hệ tiêu hóa sẽ có nhiều thời gian để ứng phó với chất acetaldehyde độc hại có trong bia rượu.

Uống vitamin tổng hợp: các nghiên cứu chỉ ra các vitamin tổng hợp có chứa chất oxy hóa nên có thể chống say. Uống một viên vitamin trước khi uống rượu giúp bạn bớt lừ đừ, mệt mỏi trong và sau khi uống.

Trong khi uống rượu bia

Uống nhiều nước: nên uống thêm nước nhiều nước khi dùng bia rượu. Tỷ lệ tối thiểu để không làm ảnh hưởng đến gan là 4 nước : 1 rượu hoặc 2 nước: 1 bia. Uống rượu bia xen kẽ với uống nước sẽ làm hạn chế nguy cơ say và hạn chế sự tấn công ồ ạt của acetaldehyde đối với gan. Đó là lý do trên bàn tiệc không nên chỉ có bia hoặc rượu mà cần có nhiều nước lọc. Uống một ly nước (tốt nhất là nước ấm) khi bạn vừa chớm cảm thấy ngà ngà sẽ góp phần giúp gan tránh bị nhiễm độc và giữ cho đầu óc tỉnh táo hơn. Ngoài ra, nước sẽ tạo cho dạ dày của bạn cảm giác no và không cần phải uống thêm rượu bia nữa.

Nói chuyện: khi xem những trận cầu mùa SEA Game, nói chuyện, cổ vũ các đội bóng không chỉ giúp bạn giữ đầu óc tỉnh mà còn đẩy một lượng chất cồn đáng kể bay hơi ra bên ngoài.

Không pha rượu bia với thức uống khác: nhiều người có thói quen uống bia rượu pha với nước ngọt vì cho rằng dễ uống hơn. Nhưng carbon dioxide trong nước ngọt có gas có thể khiến cho bia rượu thấm nhanh vào niêm mạc dạ dày hơn bình thường dẫn đến nhanh say, mệt mỏi và nhức đầu hơn khi thức dậy.

Bác sĩ Điềm lưu ý rượu thường có nồng độ cồn khoảng từ 35-90%, trong khi nồng độ cồn trong bia khoảng 4-8%. Điều này có nghĩa rằng cùng một đơn vị thể tích, rượu khiến gan làm việc cật lực hơn và mất nhiều thời gian để thải độc. Gan dễ bị tổn thương hơn khi uống rượu bia cùng một lúc hoặc pha trộn nhiều loại rượu (đặc biệt là rượu thuốc) rất dễ xảy ra tương tác vì mỗi loại có thành phần, liều lượng khác nhau rất nguy hiểm nếu ngộ độc rượu xảy ra.

Sau khi uống rượu bia

Nghỉ ngơi ở nơi yên tỉnh: giấc ngủ giúp não bộ phục hồi cơn say. Do đó, sau khi dùng rượu bia, nam giới nên tìm một chỗ yên tĩnh và thả lỏng để cơ thể được nghỉ ngơi. Đắp một chiếc khăn mát lên trán nếu cảm thấy đau đầu.

Uống nhiều nước: rượu bia là một chất ức chế hormon chống bài niệu, làm thận thải nước nhiều hơn, khiến chúng ta đi tiểu nhiều hơn và mất nước nhiều hơn. Trong khi đó, mất nước là nguyên nhân khiến bạn say, nhức đầu và mệt mỏi… Vì thế, bạn nên uống nhiều nước để bổ sung lượng nước đã mất cho cơ thể.

Bạn cũng có thể uống nước chanh, dừa tươi hoặc nước ép (có pha thêm một ít muối) sau khi thức dậy để bù đắp vitamin, muối và khoáng chất cho cơ thể. Không nên uống cà phê sau khi uống rượu bia vì hỗn hợp này có thể gây tình trạng “tỉnh giả”, ảnh hưởng đến giấc ngủ và khiến bạn kiệt sức, rối loạn tiêu hóa hoặc tổn thương gan cấp tính.

Ăn món ăn lỏng khi thức dậy: thiếu năng lượng có thể là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi sau khi thức dậy. Thường những người say rượu sẽ không muốn ăn gì khi tỉnh giấc. Cảm giác mệt mỏi khiến bạn chỉ muốn nằm một chỗ. Tuy nhiên, bạn nên ăn một chút cháo, súp hoặc một món ăn lỏng nào đó để khỏe và mau tỉnh táo hơn. Thêm trứng vào món ăn vì trứng giàu dinh dưỡng và có thành phần cysteine giúp phá vỡ hàm lượng acetaldehyde có trong bia rượu nên rất tốt cho người say rượu.





Ăn súp lỏng giúp người say rượu mau lấy lại sức, tỉnh táo hơn. Ảnh: Shutterstock

Ăn súp lỏng giúp người say rượu mau lấy lại sức, tỉnh táo hơn. Ảnh: Shutterstock

Gan phải chịu áp lực lọc thải lớn khi không chỉ từ rượu bia mà còn từ nguồn thức ăn, nước uống hằng ngày… nên dễ “đổ bệnh”. Khi gan bị nhiễm mỡ hoặc viêm gan, theo bác sĩ Điềm vẫn còn cơ hội để cải thiện chức năng gan. Trường hợp gan đã bị xơ hoặc xuất hiện tế bào ung thư thì mọi cố gắng chữa trị đều không thể đưa phần gan đã bị tổn thương về lại tình trạng ban đầu. Do đó, bên cạnh những lưu ý trong sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia và các hóa chất gây độc cho gan, bạn có thể bổ sung các dưỡng chất như wasabia và s.marianum để hỗ trợ kiểm soát hoạt động của tế bào Kupffer. Nhờ đó có thể giảm quá trình viêm gan và tổn thương gan, phòng ngừa xơ hóa.

Mộc Thanh

Trả lời