Cách giúp nam giới tăng số lượng tinh trùng Leave a comment

Tăng cường tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống gồm nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp nam giới cải thiện đáng kể số lượng tinh trùng.

Số lượng tinh trùng được hiểu là số lượng tinh trùng trung bình có trong một mẫu tinh dịch. Các bác sĩ sản khoa sẽ đánh giá số lượng tinh trùng trong quá trình phân tích tinh dịch đồ và coi đó là một yếu tố quan trọng quyết định tới khả năng sinh sản của nam giới.

Theo Tổ chức Y tế (WHO), mẫu tinh trùng được coi là khỏe mạnh khi chứa từ 15 triệu mỗi ml tương đương khoảng 1/2 thìa đến 1 thìa cà phê hoặc ít nhất 39 triệu tinh trùng mỗi lần xuất tinh. Nếu một người có số lượng tinh trùng dưới mức này được đánh giá là số lượng tinh trùng thấp và có thể gây ra các vấn đề về sinh sản như vô sinh.

Nhìn chung, số lượng tinh trùng thấp có thể do nhiều nguyên nhân bao gồm rối loạn di truyền, nhiễm trùng và khối u. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một số thay đổi về lối sống có thể tăng cường hormone kiểm soát sản xuất tinh trùng, hỗ trợ cải thiện số lượng tinh trùng.





Tập thể dục thường xuyên giúp tăng số lượng tinh trùng ở nam giới Ảnh: Dreamstime

Tập thể dục thường xuyên giúp tăng số lượng tinh trùng ở nam giới Ảnh: Dreamstime

Tập thể dục thường xuyên

Một số nghiên cứu cho thấy giảm cân và tập thể dục ở những người thừa cân hoặc béo phì có thể dẫn đến cải thiện hoặc tăng số lượng tinh trùng. Theo đó, trong thời gian 16 tuần, ở những nam giới béo phì và lười vận động khi tham gia nghiên cứu có hoạt động thể dục thể thao ít nhất là 50 phút mỗi tuần đều có sự gia tăng về số lượng và khả năng vận động của tinh trùng.

Bỏ thuốc lá, ma túy, rượu

Kết quả từ hơn 20 nghiên cứu khác nhau với tổng số gần 6.000 người tham gia cho thấy hút thuốc thường xuyên làm giảm số lượng tinh trùng. Những người nghiện hút thuốc lá với mức độ vừa phải hoặc nặng có chất lượng tinh trùng thấp hơn những người không hút thuốc lá hoặc ít hơn.

Việc sử dụng rượu hay các loại ma túy như cần sa, cocaine cũng được cho là gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất tinh trùng.

Tránh một số loại thuốc kê đơn

Một số loại thuốc kê đơn có thể làm giảm khả năng sản xuất tinh trùng khỏe mạnh ở nam giới. Tuy nhiên, một khi ngưng dùng thuốc, số lượng tinh trùng của họ sẽ trở lại bình thường hoặc tăng lên.

Các loại thuốc có thể tạm thời làm giảm quá trình sản xuất và phát triển tinh trùng bao gồm: một số thuốc kháng sinh, thuốc chống nội tiết tố androgen, thuốc chống loạn thần, thuốc phiện, thuốc chống trầm cảm. Trong đó, anabolic steroid có thể tiếp tục ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng trong khoảng thời gian 1 năm sau khi ngừng thuốc.

Nam giới nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nghi ngờ loại thuốc mình đang sử dụng có thể làm giảm số lượng tinh trùng hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Bổ sung vitamin D, thực phẩm chống oxy hóa

Nồng độ vitamin D và canxi trong máu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của tinh trùng. Nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt canxi cũng có thể ảnh hưởng xấu đến số lượng tinh trùng.

Chất chống oxy hóa là các phân tử có tác dụng làm vô hiệu hóa các hợp chất được gọi là gốc tự do, gây hại cho tế bào. Một số vitamin và khoáng chất hoạt động như chất chống oxy hóa có tác dụng trong việc tăng số lượng tinh trùng. Cà tím, các loại đậu như đậu đen hoặc đậu tây, trà xanh và trà đen, nho đỏ, lựu, việt quất được cho là giàu chất chống oxi hóa.

Tăng chất béo có lợi

Chất béo không bão hòa đa cùng với chất béo không bão hòa đơn được coi là chất béo lành mạnh, gồm omega-3 và omega-6 rất quan trọng cho sự phát triển khỏe mạnh của màng tinh trùng. Ngược lại, những chất béo chuyển hóa lại tác động xấu tới tinh trùng. Một nghiên cứu thực hiện trên 209 nam giới khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-23, khi được tăng liều tiêu thụ axit béo chuyển hóa, số lượng tinh trùng của họ bị giảm tương ứng.

Chất béo không bão hòa đa thường được tìm thấy trong hải sản, mỡ cá và một lượng nhỏ trong thực vật như quả óc chó, hạt lanh, dầu hạt cải, các thực phẩm từ đậu nành… Trong khi các loại thực phẩm như bơ thực vật, bánh quy giòn, bánh quy ngọt, khoai tây chiên hay đồ ăn nhanh thường chứa chất béo chuyển hóa.

Bảo Bảo (Theo Medical News Today)

Trả lời