Cách giúp tim không đập nhanh Leave a comment

Thư giãn, loại bỏ chất kích thích, uống nhiều nước, tập thể dục đều đặn… có thể giúp giảm tình trạng tim đập nhanh.

Theo Mayo Clinic, tim đập nhanh (đánh trống ngực) là cảm giác nhịp tim nhanh, rung rinh hoặc thình thịch. Căng thẳng, tập thể dục, vận động mạnh, dùng thuốc hoặc một số tình trạng sức khỏe có thể kích hoạt tim đập nhanh.

Tim đập nhanh có thể là biểu hiện đáng lo ngại nhưng thường vô hại. Một số ít trường hợp tim đập nhanh có thể là triệu chứng của tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như loạn nhịp tim, cần được điều trị. Dưới đây là các phương pháp có thể giúp giảm hiện tượng tim đập nhanh.





Thư giãn, ngừng sử dụng chất kích thích, uống nhiều nước... có thể giúp giảm tình trạng tim đập nhanh. Ảnh: Freepik.

Thư giãn, ngừng sử dụng chất kích thích, uống nhiều nước… có thể giúp giảm tình trạng tim đập nhanh. Ảnh: Freepik.

Thư giãn

Căng thẳng có thể có nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, như gây ra tình trạng đánh trống ngực. Bạn có thể thử các kỹ thuật thư giãn để điều hòa nhịp tim, ví dụ: thiền, thở sâu, viết nhật ký, đọc sách, tập yoga, tận hưởng không gian nhiều cây xanh, tập thể dục, tạm nghỉ làm hoặc nghỉ học.

Hạn chế chất kích thích

Các triệu chứng tim đập nhanh có thể tăng nặng sau khi sử dụng chất kích thích. Do đó, bạn nên bỏ hút thuốc; hạn chế một số loại thuốc cảm và ho, đồ uống có chứa caffeine (cà phê, trà, soda), thuốc ức chế sự thèm ăn, một số loại thuốc liên quan đến sức khỏe tâm thần… Tuy nhiên, không phải tất cả chất kích thích sẽ khiến tim đập nhanh ở tất cả mọi người.

Cân bằng điện giải

Chất điện giải là các phân tử được tìm thấy khắp cơ thể giúp chuyển các tín hiệu điện. Những tín hiệu này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp tim. Bạn có thể tăng cường số lượng chất điện giải trong cơ thể bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu natri, kali (khoai tây, chuối, bơ, rau chân vịt), canxi (các sản phẩm từ sữa và rau củ có màu xanh đậm), magie (các loại hạt, cá). Bạn có thể bổ sung những chất dinh dưỡng này bằng cách uống thực phẩm dinh dưỡng nhưng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Bổ sung nước

Khi cơ thể bị mất nước, tim phải làm việc nhiều hơn để lưu thông máu, điều này có thể khiến tim đập nhanh. Bạn nên uống nhiều nước khi nước tiểu có màu sẫm, nhịp tim tăng lên, khô miệng, cảm thấy khát, đau đầu, chóng mặt, da khô hoặc sần sùi. Theo CDC Mỹ, lượng nước khuyến nghị sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe (có mang thai hay không).

Tránh uống quá nhiều rượu

Rượu là một chất gây trầm cảm. Một số nghiên cứu cho biết, dù chỉ uống một ly mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh rung nhĩ. Tim đập nhanh là một trong những triệu chứng của tình trạng này.

Tập luyện đều đặn

Tập thể dục có thể cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể và khôi phục nhịp đập tự nhiên của tim. Nó cũng có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng. Tập thể dục giúp tim khỏe mạnh hơn, có thể ngăn ngừa hoặc giảm chứng đánh trống ngực. Các bài tập có lợi bao gồm: đi dạo, chạy bộ, đạp xe, bơi lội. Tuy nhiên, tập thể dục có thể gây ra tình trạng đánh trống ngực ở một số người. Do đó, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi bắt đầu một thói quen tập thể dục mới.

Tóm lại, tim đập nhanh khá phổ biến và thường kéo dài trong vài giây. Nếu hiện tượng này kéo dài hơn, bạn nên thăm khám bác sĩ để xác định đó có phải là dấu hiệu của bệnh tim, vấn đề về tuyến giáp, suy tim, bệnh van tim…

Châu Vũ (Theo Medical News Today)

Trả lời