Cách giúp trẻ hết lười ăn rau Leave a comment

Cha mẹ tìm hiểu sở thích, cho bé ăn thử thực phẩm có vị ngọt với hàm lượng nhỏ, bổ sung trái cây để trẻ làm quen với rau xanh.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Đỗ Uyên – Bác sĩ Trưởng Nutrihome Hoàng Văn Thụ – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, khi đến tuổi ăn dặm (từ 6 tháng tuổi), trẻ cần được bổ sung thêm các dưỡng chất ngoài sữa mẹ để đảm bảo sự phát triển toàn diện. Trong đó, rau xanh là một trong thực phẩm quan trọng vì chứa nhiều vitamin, khoáng chất, axit amin, chất xơ… tốt cho sự phát triển, sức khỏe trẻ.

Dù vậy, không phải trẻ nào cũng “sẵn sàng” tiếp nhận nguồn thực phẩm mới này. Một số nguyên nhân được cho là dẫn đến tình trạng bé lười ăn rau bao gồm: trẻ không được tập làm quen với việc ăn rau từ đầu; trẻ mắc chứng “sợ” thức ăn mới, từ chối nếm thử những món ăn mới; bé nhạy cảm với mùi vị của rau, nhất là các loại rau có mùi vị đặc trưng.

Nếu trẻ không ăn hoặc ăn rất ít rau trong các bữa ăn hàng ngày, về lâu dài theo bác sĩ Uyên trẻ có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe như: táo bón, thiếu vi chất dinh dưỡng, dễ nhiễm trùng, hệ vi sinh đường ruột kém phát triển, tăng trưởng và phát triển kém.

Theo bác sĩ Uyên, để cải thiện tình trạng trẻ không chịu ăn rau xanh, phụ huynh cần dựa vào nguyên nhân, nhờ đến bác sĩ khám, tư vấn. Một số cách dưới đây có thể giúp trẻ làm quen dần với các loại rau xanh mà phụ huynh có thể tham khảo.

Tìm hiểu sở thích ăn rau của con: trẻ thường có xu hướng khó tiếp nhận các loại thức ăn mới, đặc biệt các loại rau nên bố mẹ cần theo dõi, ghi nhận những loại rau bé thích ăn và có cách chế biến phù hợp. Theo đó, bố mẹ nên thiết kế bữa ăn với các loại rau chế biến theo nhiều cách khác nhau (cả sống và chín) để tạo màu sắc, hương vị đa dạng giúp bớt mùi vị khó chịu của chúng.





Rau xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của bé. Ảnh: Freepik

Rau xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của bé. Ảnh: Freepik

Cho trẻ thử ăn rau với lượng nhỏ: bé sẽ dễ dàng tiếp nhận một loại rau mới nào đó hơn khi ăn với lượng nhỏ, được chế biến phù hợp trong lần đầu tiên ăn. Bố mẹ có thể xay nhuyễn rau, trộn vào cháo ăn dặm của trẻ, cách này có thể cải thiện vấn đề bé không chịu ăn rau.

Bắt đầu với các loại rau củ có vị ngọt dịu: bắp (ngô), cà rốt, đậu Hà Lan, khoai lang… thường có vị ngọt, dễ ăn sẽ khiến trẻ dễ dàng tiếp nhận hơn. Do đó, bạn hãy bắt đầu tập cho trẻ ăn rau củ bằng các loại này.

Ăn kèm với nước chấm, nước sốt hấp dẫn: rau có thể kém hấp dẫn với trẻ, nhưng các loại nước chấm, gia vị, nước sốt… sẽ tạo nhiều màu sắc, tăng hương vị và kích thích bé ăn rau nhiều hơn. Bố mẹ có thể trộn sốt vào salad, thêm phô mai vào các loại cải, súp lơ… để “xử lý” tình trạng bé lười ăn rau.

Kết hợp rau với món trẻ thích: việc chế biến đa dạng các món ăn trẻ thích kết hợp với rau củ như salad rau củ, súp rau củ, nước ép, mì spaghetti, sinh tố… sẽ giúp bé nhận được nhiều nguồn dinh dưỡng từ nhóm rau xanh lẫn các nhóm thực phẩm khác.

Để trẻ tự chọn thực đơn: với những bé lớn hơn, việc cho trẻ chủ động chọn thức ăn (theo danh sách thực phẩm cho sẵn có rau xanh) cũng là một cách giúp bé dễ chấp nhận khẩu phần ăn có chứa nhiều rau nhiều. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên cho trẻ tham gia vào việc nấu nướng sẽ kích thích bé muốn thưởng thức “tác phẩm” của mình.

Ăn nhiều trái cây: trái cây thường có vị ngọt, vì vậy trẻ sẽ dễ tiếp nhận hơn các loại rau xanh. Bố mẹ có thể kết hợp trái cây với các loại rau xanh để bé tiếp cận đa dạng thức ăn trong khẩu phần của mình, từ đó hạn chế tình trạng bé không chịu ăn rau.

Đối với những trường hợp trẻ vẫn chưa chịu ăn rau xanh, bác sĩ Uyên đưa ra một số lời khuyên giúp bố mẹ bổ sung thêm chất xơ trong khẩu phần hàng ngày của trẻ như ay, nghiền nhỏ, thêm một ít đậu vào súp, món salad và các món hầm. Phụ huynh tăng cường cho trẻ ăn một số thực phẩm có hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất cao như ngũ cốc, táo, chuối, lê, các loại đậu, hạnh nhân.

“Điều quan trọng là trong tất cả trường hợp, bố mẹ cần kiên nhẫn thêm rau củ với lượng ít và tăng dần để bé không có cảm giác quá khác lạ trong bữa ăn của mình. Trẻ sẽ tiếp nhận dần dần, trở nên yêu thích ăn rau củ hơn”, bác sĩ Uyên cho biết.

Đối với trẻ tập ăn dặm, bố mẹ nên tham khảo khuyến nghị của bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung rau xanh cho bé một cách hợp lý. Ngoài ra, bố mẹ cần cắt rau củ thành từng miếng nhỏ hoặc kích cỡ phù hợp với độ tuổi của trẻ, nấu hoặc xay nhuyễn rau khi cần thiết.

Giang Phương

Trả lời

2.7979