Cách kiểm soát lượng đường hạn chế ảnh hưởng đến não trẻ Leave a comment

Kiểm tra thành phần khi mua thực phẩm, xây dựng thực đơn đa dạng, tự chế biến đồ ăn nhẹ giúp ba mẹ kiểm soát lượng đường dung nạp cho bé.

Chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa Jennifer Hyland, làm việc tại Cleveland Clinic cho biết, nhiều nghiên cứu dài hạn tiết lộ mối quan hệ giữa lượng đường và nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe bao gồm bệnh tiểu đường và béo phì. Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến cáo trẻ em dưới hai tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại đường bổ sung nào. Trẻ em từ hai tuổi trở lên không nên ăn quá 25 gram đường mỗi ngày.

Hyland giải thích, lượng đường bổ sung mà trẻ ăn vào liên tục làm chỉ số đường trong máu tăng đột biến theo thời gian. Điều này dẫn đến nguy cơ kháng insulin, tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2. Đây đều là những bệnh liên quan tới hội chứng chuyển hóa, dễ làm tăng khả năng sa sút trí nhớ.

Ăn quá nhiều đường cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, hoạt động và mức độ tăng động của trẻ. “Lượng đường trong máu của chúng giống như một chiếc tàu lượn siêu tốc, lên và xuống suốt cả ngày, tác động đến hành vi của trẻ nhỏ”, Hyland nói.





Các loại nước ngọt chứa rất nhiều đường không có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ. Ảnh: Freepik

Các loại nước ngọt chứa rất nhiều đường không có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ. Ảnh: Freepik

Nhưng không phải tất cả các loại đường đều được tạo ra như nhau. Trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu hoặc các sản phẩm từ sữa chứa đường tự nhiên, cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Hyland nhấn mạnh các loại đường bổ sung mới là yếu tố nguy cơ.

Theo Michael Goran, giáo sư nhi khoa tại trường Y khoa Keck của Đại học Nam California và Bệnh viện Nhi đồng Loss Angeles (Mỹ), hơn 2/3 số thực phẩm đóng gói có chứa chất làm ngọt. Nghiên cứu của Goran đã tìm thấy mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều đường của trẻ em với các vấn đề về giấc ngủ, học tập và sức khỏe cảm xúc, chưa kể các tình trạng nghiêm trọng như tiểu đường và gan nhiễm mỡ.

Goran cho biết, đường fructose cao hơn nhiều trong đồ uống và nước trái cây phổ biến dành cho trẻ em. So với các loại đường khác, fructose có hại hơn cho sự phát triển não bộ của trẻ.

Tương tự, các nghiên cứu khác phát hiện đường tác động tiêu cực đến kết quả, khả năng học tập và trí nhớ của trẻ. Thậm chí, các bé có nguy cơ mắc một số bệnh chuyển hóa như gan nhiễm mỡ, tiểu đường; bệnh tim; các tình trạng viêm nhiễm gồm hen suyễn, mụn trứng cá, bệnh gút; các vấn đề về tiêu hóa do tác động của đường lên hệ vi sinh vật, chức năng đường ruột. Cha mẹ có thể kiểm soát, giảm lượng đường cho trẻ theo lộ trình.

Hạn chế tối đa đồ uống có đường

Chuyên gia dinh dưỡng Hyland cho biết, nước có gas, đồ uống thể thao, nước tăng lực, sinh tố đóng chai… chứa rất nhiều đường. Nước trái cây không phải lúc nào cũng thêm đường nhưng vẫn có nhiều đường tập trung. Trẻ mới biết đi uống nửa cốc nước ép trái cây 100% (được làm hoàn toàn từ trái cây hoặc rau củ) hàng ngày có nguy cơ bị thừa cân cao hơn 30% trong vòng hai năm. Do đó, không nên cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt. Ngoài ra, khi trẻ lớn hơn, cũng nên hạn chế trẻ uống nhiều loại trà ngọt như trà sữa và cà phê.

Kiểm tra nhãn thực phẩm khi mua

Phần lớn các cửa hàng tạp hóa có khoảng 70% thực phẩm đóng gói có đường và 80% thực phẩm dành cho trẻ em có đường. Một gói kẹo dẻo trái cây thông thường chứa 3-4 thìa cà phê đường, vượt quá một nửa lượng khuyến nghị hàng ngày cho trẻ em.

Đường có thể ẩn trong danh sách thành phần thực phẩm với tên gọi khác như siro mạch nha (malt syrup), mật cây thùa (agave nectar), chiết xuất từ mía (cane juice crystals), sucrose, dextrose.





Kiểm tra nhãn thực phẩm để chọn những loại ít đường. Ảnh: Freepik

Kiểm tra nhãn thực phẩm để chọn những loại ít đường. Ảnh: Freepik

Chọn thực phẩm ít đường, nhiều chất xơ

Chuyên gia khuyến nghị phụ huynh nên chọn thực phẩm cho trẻ có ít hơn 10 gram đường và nhiều hơn 5 gram chất xơ. Chất xơ rất có lợi cho sức khỏe, giúp no lâu, giảm cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Có rất nhiều thực phẩm chứa đường tự nhiên và hàm lượng chất xơ cao, chẳng hạn như trái cây, rau củ…

Tự làm đồ ăn nhẹ lành mạnh

Thực phẩm đã qua chế biến thường chứa nhiều đường, chất béo bão hòa có hại cho sức khỏe. Vì vậy, cha mẹ nên tự lên thực đơn dinh dưỡng và nấu ăn cho con để kiểm soát lượng đường, thay vì thường xuyên cho trẻ ăn đồ ăn nhanh, chế biến sẵn.

Rèn luyện thói quen ăn uống đa dạng

Chuyên gia khuyến nghị phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đa dạng, bắt đầu bằng những thực phẩm rắn như: ngũ cốc dinh dưỡng dành cho trẻ sơ sinh, thịt hoặc các loại protein khác, trái cây, rau củ, sữa chua, phô mai… thay vì các món ngọt. Nếu ngay từ đầu trẻ không đưa vào cơ thể quá nhiều đường thì vị giác của chúng sẽ không thèm những hương vị đó nhiều nữa. Nếu trẻ bị nghiện đồ ngọt, cha mẹ vẫn có thể rèn thói quen ăn uống của trẻ theo phương pháp kiên trì và chậm rãi.

Châu Vũ (Theo Cleveland Clinic, USC News)

Trả lời