Cách nhanh lấy lại giọng nói Leave a comment

Người bị mất giọng nên nghỉ ngơi, ngưng nói chuyện trong 1-2 ngày, tắm nước ấm, súc miệng bằng nước muối… để lấy lại giọng nhanh hơn.

Mất giọng thường xảy ra do viêm thanh quản cấp tính. Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản là do nhiễm virus, giống như cảm lạnh thông thường. Mất giọng còn xảy ra khi một người lạm dụng giọng nói, la hét quá mức trong một trò chơi, buổi cổ vũ hay hòa nhạc. Một người bị mất giọng đôi khi còn do tiếp xúc với các chất kích thích môi trường như ô nhiễm và khói.

Lấy lại giọng nói nhanh hướng đến giảm tình trạng viêm và kích ứng trong thanh quản. Dưới đây là một số phương pháp tại nhà có thể giúp bạn.

Cho giọng nói nghỉ ngơi

Giữ giọng nói là yếu tố quan trọng nhất để chữa bệnh viêm thanh quản. Kích ứng và viêm nhiễm cần thời gian để khỏi và việc tránh sử dụng giọng nói sẽ giúp dây thanh có thời gian hồi phục. Khi bị mất giọng, bạn nên cố gắng không nói chuyện trong một ngày hoặc lâu hơn. Nếu phải giao tiếp, bạn nên ưu tiên dùng hành động, tuyệt đối không nói to trong thời gian này.

Tắm nước nóng

Hơi nước từ vòi hoa sen nước nóng có thể làm ẩm dây thanh quản và dịu cổ họng. Người bị mất giọng có thể hít hơi nước ấm bằng cách tắm nước nóng hoặc tắm nhiều lần trong ngày. Điều này có thể giảm khàn giọng và làm sạch các chất tiết dính gây ra các triệu chứng viêm thanh quản ở dây thanh.

Bên cạnh tắm nước nóng, hít hơi nước ẩm có thể giữ ẩm cho đường hô hấp trên và loại bỏ các chất tiết xung quanh dây thanh âm khiến bạn mất giọng. Bạn có thể thử sử dụng máy tạo độ ẩm trong ngày và khi ngủ khi gặp các triệu chứng viêm thanh quản, mất giọng.





Tắm nước nóng có thể làm ẩm dây thanh quản. Ảnh: Freepik

Tắm nước nóng giúp làm ấm và ẩm cơ thể có lợi khi bị mất giọng. Ảnh: Freepik

Đừng thì thầm

Thì thầm có thể làm cho tình trạng viêm thanh quản trở nên trầm trọng hơn. Khi thì thầm, dây thanh quản bị kéo căng và không thể rung, tăng thêm căng thẳng cho dây thanh. Bạn nên nói giọng tự nhiên với âm lượng nhỏ khi bị viêm thanh quản, chỉ nên thì thầm khi bị khàn giọng.

Uống nước ấm

Người bị mất giọng hay trong quá trình chữa lành bệnh viêm thanh quản nên uống nước ấm. Viêm thanh quản thường do nhiễm virus nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước sẽ giúp tình trạng viêm mau lành. Các chất lỏng ấm như trà, nước dùng hoặc súp có thể làm dịu cổ họng bị kích thích. Ngoài ra, nó còn giữ ẩm cho đường hô hấp và làm loãng chất nhầy. Bạn nên tránh đồ uống có chứa caffeine như cà phê và trà đen vì chúng có thể dẫn đến mất nước.

Súc miệng nước muối

Súc miệng nước muối ấm có thể giữ ẩm cho cổ họng, giảm tình trạng viêm thanh quản, mất giọng. Nước muối còn có thể tiêu diệt vi khuẩn tồn tại trong miệng, cổ họng. Bạn có thể thêm một thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm và thử súc miệng 2-3 lần mỗi ngày cho đến khi giọng nói trở lại.

Ngậm kẹo

Ngậm kẹo, viêm ngậm làm tăng tiết nước bọt, giúp giữ ẩm cho cổ họng. Bạn có thể thử ngậm một viên kẹo có chứa mật ong vì nó có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên.

Tránh hút thuốc

Hút thuốc lá có liên quan đến bệnh viêm họng. Những người đang cần chữa khỏi bệnh viêm thanh quản nên tránh hút thuốc và tránh xa môi trường có khói thuốc.

Tránh rượu, bia

Tương tự thuốc lá, rượu là chất kích thích dễ làm khô cổ họng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm thanh quản. Uống rượu làm chậm quá trình chữa lành vết thương. Người bị mất giọng nên tránh uống rượu khi đang cố gắng lấy lại giọng nói của mình.

Viêm thanh quản do nhiễm virus thường không cần điều trị. Các triệu chứng thường tự khỏi bên từ 3-7 ngày. Tuy nhiên, nếu công việc của bạn phải sử dụng giọng nói thường xuyên hoặc các triệu chứng viêm thanh quản kéo dài hơn 2 tuần, gây đau, khó nuốt thì nên thăm khám bác sĩ sớm.

Anh Chi (Theo Healthline)

Trả lời