Cách phòng biến chứng bệnh lao toàn thể Leave a comment

Người bệnh tuân thủ phác đồ đều trị, khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc lao toàn thể cần thăm khám tránh biến chứng nguy hại đến tính mạng.

Bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp do hít phải hạt khí dung trong không khí có chứa vi khuẩn lao. Hạt khí dung chứa vi khuẩn lao có đường kính khoảng 1-5 micromet bay lơ lửng trong không khí khoảng từ vài giờ đến 24 giờ, phát tán ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi.

Lao toàn thể là cùng lúc bị lao ở nhiều cơ quan, thể lao này thường rất nặng, có khả năng gây tử vong do sự lây lan theo đường máu của trực khuẩn lao đến phổi và các cơ quan khác. Người bệnh cần phát hiện và điều trị bệnh lao kịp thời để tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, đồng thời làm giảm lây lan vi khuẩn lao trong cộng đồng.

Điều trị lao toàn thể khó khăn

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng, khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp mắc lao toàn thể. May mắn là các bệnh nhân đến bệnh viện trong giai đoạn sớm, điều trị từ 2-4 tuần đều cho kết quả khả quan. Chị Hiền (21 tuổi, Hà Nội) là một trong những trường hợp điển hình. Vài tháng nay, chị có tình trạng nóng, sốt nhẹ về chiều, thể trạng gầy yếu. Một ngày trước khi nhập viện, chị đau bụng hạ vị, đại tiện phân lỏng có lẫn máu đỏ tươi. Qua kết quả chụp CLVT ngực, ổ bụng, tiểu khung, chụp MRI cột sống ngực, các bác sĩ phát hiện chị Hiền có nhiều ổ tổn thương nghi do lao. Chị Hiền đã được nội soi phế quản rửa phế quản lấy dịch làm xét nghiệm AFB, genXpert, lấy nước tiểu làm xét nghiệm AFB đều phát hiện có vi khuẩn lao.

Tương tự trường hợp của chị Hiền, bệnh nhân Duẩn (57 tuổi, Hưng Yên) có thể trạng gầy yếu. Do gầy sút cân nhiều trong 2-3 tháng nay kèm mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều nên người bệnh đã đến khám tại khoa Hô Hấp BV Tâm Anh. Tại đây người bệnh được chỉ định chụp CLVT ngực, nội soi phế quản, nội soi dạ dày tá tràng, đại trực tràng toàn bộ, chụp MRI sọ não. Kết quả xét nghiệm trực tiếp cũng như nuôi cấy trên môi trường lỏng (MGIT) dịch phế quản và mảnh sinh thiết ở tá tràng dương tính với trực khuẩn lao.

Một bệnh nhân khác đang điều trị lao phổi, phải nhập viện do bán tắc ruột, qua quá trình thăm khám và làm xét nghiệm cho thấy người bệnh này mắc thêm cả lao đại tràng mà trước đó chưa được phát hiện.





Hình ảnh biến chứng lao xảy ra ở nhiều cơ quan khi chụp CLVT. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Hình ảnh biến chứng lao xảy ra ở nhiều cơ quan khi chụp CLVT. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Theo bác sĩ Hưng, cả 3 bệnh nhân này đều có tình trạng lao toàn thể (lao phổi, lao ruột, lao tiết niệu). Nếu không được chẩn đoán, điều trị đúng, kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, có khối u giống u đại tràng, thủng ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt, tử vong. Đối với nữ giới lao sinh dục có thể gây vô sinh…

Bên cạnh đó, bệnh nhân Hiền còn bị lao cột sống, một trong những dạng bệnh lao nguy hại nhất. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị tích cực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Hậu quả của bệnh gây biến dạng cột sống, tàn phế, để lại nhiều di chứng nặng nề khác. Ngoài ra lao tiết niệu tùy thuộc vào sức đề kháng của người bệnh mà có thể phát triển, hình thành áp xe, lan rộng các tổn thương có thể dẫn đến mất chức năng thận.

Bác sĩ Hưng cho biết, cả hai trường hợp bệnh nhân Hiền và bệnh nhân Duẩn việc điều trị thường rất khó khăn, kéo dài. Hai bệnh nhân được điều trị theo phác đồ hướng dẫn điều trị lao của Bộ Y tế, cùng với đó là điều trị nâng cao thể trạng, điều trị biến chứng của bệnh lao. Sau một thời gian theo dõi, trị tích cực, chị Hiền tỉnh táo, không sốt, không đau bụng, không đi ngoài phân máu, đặc biệt là hồi phục sức khỏe và ăn uống tốt. Trường hợp bệnh nhân Duẩn được điều trị cải thiện trong 34 ngày. Bệnh nhân ra viện khi thể trạng phục hồi, hết mệt mỏi, không sốt, ăn uống được và tăng cân.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh lao toàn thể

PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh – Trưởng khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội nhấn mạnh, nếu bệnh nhân không tuân thủ điều trị hoặc dùng thuốc không đúng phác đồ, bệnh lao có thể gây nguy hại tới tính mạng bởi nhiều biến chứng:

Tràn dịch tràn khí màng phổi

Khoang màng phổi bình thường không có khí, chỉ có ít dịch để bôi trơn với tác dụng làm phổi nở ra trong hô hấp, hít vào thở ra được dễ dàng. Tràn dịch màng phổi là hiện tượng xuất hiện nhiều dịch trong khoang màng phổi. Tràn khí là hiện tượng khí xâm nhập trong khoang màng phổi.

Khi mắc lao phổi, vi khuẩn lao có thể xâm nhập vào khoang màng phổi gây viêm màng phổi do lao xuất hiện nhiều dịch trong khoang màng phổi. Các trường hợp lao hang ở phổi có thể vỡ hang lao gây tràn khí màng phổi. Khí và dịch tràn ra nhiều sẽ ép phổi lại làm giảm thể tích phổi, cản trở hô hấp, không thể cung cấp đủ khí khiến người bệnh bị ngạt thở và tử vong. Do vậy, cần xử lý ngay tràn dịch, khí để cải thiện tình trạng hô hấp của người bệnh.





Người bệnh cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh biến chứng nặng nề khi mắc lao toàn thể. Ảnh: Shutterstock

Người bệnh cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh biến chứng nặng nề khi mắc lao toàn thể. Ảnh: Shutterstock

Xơ phổi

Biến chứng đáng ngại nhất của lao phổi là tình trạng xơ hóa phổi. Vi khuẩn lao không ngừng phá hủy phổi. Chúng có thể làm hỏng một hoặc nhiều thùy của phổi hoặc cả hai phổi. Các tổn thương phá hủy này có đặc điểm là lan tràn, mang tính vĩnh viễn trong một số trường hợp. Khi bị phá hủy hết, phổi chỉ còn là một lá xơ, thủng lỗ chỗ, mất chức năng trao đổi khí. Người bệnh sẽ bị suy hô hấp dần dẫn đến tử vong.

Ho ra máu

Ho ra máu là tình trạng người bệnh ho và khạc ra máu, người bệnh có thể khạc ra đờm lẫn máu, hoặc có thể một vài chén con, cũng có thể nhiều hơn tới hàng trăm ml. Ho máu là một trong những biến chứng hay gặp ở người bệnh mắc lao phổi, có thể dẫn đến tử vong trong trường hợp chảy máu nhiều (gọi là ho máu sét đánh) đây là hậu quả phá hủy cấu trúc phổi cũng như mạch máu phổi của vi khuẩn lao.

PGS Hạnh đưa ra lời khuyên, đối với bệnh nhân mắc lao, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ hướng dẫn, không tự ý bỏ thuốc hay thay đổi các thuốc trong quá trình điều trị mà không được sự đồng ý của bác sĩ. Đồng thời, người bệnh tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh bằng cách đeo khẩu trang khi nói chuyện với người khác hay khi ho, hắt xì; không khạc nhổ bừa bãi, thường xuyên vệ sinh tay với xà phòng diệt khuẩn; vệ sinh môi trường sống, nơi ở thoáng mát, có ánh sáng tự nhiên; phơi nắng các đồ dùng cá nhân của bệnh nhân.

Đối với những người trong gia đình của bệnh nhân mắc lao: cần khám sàng lọc để phát hiện lao và điều trị kịp thời, nhờ đó bệnh nhân điều trị lao mới có hiệu quả do kiểm soát được nguồn lây.

Những người tiếp xúc với bệnh nhân lao hoặc người nghi ngờ mắc lao, có triệu chứng ho kéo dài, gầy sút cân, sốt về chiều, vã mồ hôi đêm… cần đi khám ngay để phát hiện bệnh lao vì có thể những người này đang có nguy cơ cao bị mắc lao.

Lục Bảo

Trả lời