Cách phòng ngừa biến chứng thận do đái tháo đường Leave a comment

Biến chứng trên thận ở người đái tháo đường thường gặp, diễn tiến sớm và nghiêm trọng, nhưng tình trạng này lại ít được chú ý.

Thầy thuốc ưu tú – BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết, đái tháo đường gây biến chứng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như thận, hệ tim mạch, thần kinh, mắt… Trong đó, bệnh thận là biến chứng thường gặp, diễn tiến sớm và nghiêm trọng nhưng lại ít được chú ý nên thường bị phát hiện muộn.

Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2019, toàn thế giới ghi nhận 463 triệu trường hợp mắc bệnh đái tháo đường và con số này ước tính đạt 578 triệu vào năm 2030. Trong khi đó, thống kê vào tháng 11/2019 của Hội Thận học Quốc tế ghi nhận, bệnh lý về thận xếp thứ 6 trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới với 850 triệu người mắc bệnh.

Biến chứng trên thận xảy ra khi đường huyết tăng cao kéo dài, làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận. Lúc này, thận không thể làm sạch máu, gây tích tụ muối, nước và các chất thải khác trong cơ thể. Ngoài ra, đái tháo đường có thể làm tổn thương thần kinh, gây khó khăn trong việc lưu thông và tạo áp lực lên bàng quang, gây sỏi bàng quang và tổn thương thận… Tóm lại, biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ làm tổn thương hệ thống lọc của thận, dẫn đến suy giảm chức năng thận.





Bác sĩ Tạ Phương Dung tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Tạ Phương Dung tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Ở giai đoạn đầu, biến chứng đái tháo đường trên thận thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như phù, mất ngủ, chán ăn, đau đầu, tăng huyết áp… Theo thời gian, khi cấu trúc thận bị tổn thương nặng, tăng tiết protein vào nước tiểu, suy giảm nghiêm trọng nồng độ protein trong máu, dẫn đến dịch không thể giữ lại trong lòng mạch máu mà thoát ra ngoài, gây ra hội chứng thận hư. Các dấu hiệu điển hình của tình trạng này là phù rất to toàn thân, cổ trướng và có thể tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim… Hội chứng thận hư rất dễ tiến triển đến suy thận nặng.

Bác sĩ Tạ Phương Dung khuyến cáo để phòng ngừa biến chứng thận do đái tháo đường, người bệnh nên:

Kiểm soát đường huyết. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc kiểm soát tốt đường huyết có tác dụng hạn chế biến chứng thận. Một nghiên cứu tại Anh trên 3.867 bệnh nhân cho thấy, nếu điều trị tích cực và thực hiện chế độ ăn kiêng chặt chẽ sẽ giảm 25% nguy cơ phát triển biến chứng ở thận. Một nghiên cứu khác tại Nhật Bản chỉ ra rằng, việc kiểm soát tốt đường máu sẽ kéo dài thời gian bị biến chứng tới 6 năm.

Người bệnh có thể kiểm soát tốt đường huyết bằng cách kết hợp các biện pháp như chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc. Tuy nhiên, cần lưu ý một số thuốc điều trị đái tháo đường thải trừ qua thận nên có thể làm tăng thêm tổn thương cho thận nếu biến chứng đã hình thành. Do đó, người bệnh nên theo sát chỉ định điều trị của bác sĩ trong từng giai đoạn và lưu ý nồng độ đường huyết HbA1c. Chỉ số này thể hiện sự tương quan giữa tổn thương thận và việc điều chỉnh đường huyết.





Thận ở người bệnh đái tháo đường (trái) và thận khỏe mạnh (phải). Ảnh: Shutterstock

Thận ở người bệnh đái tháo đường (trái) và thận khỏe mạnh (phải). Ảnh: Shutterstock

Kiểm soát tốt huyết áp và đạm niệu. Mục tiêu đặt ra ở phương pháp này là kiểm soát huyết áp của người bệnh ở mức 120/80mmHg. Theo bác sĩ Tạ Phương Dung, trong các biến chứng của bệnh đái tháo đường, biến chứng trên thận và tim mạch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi đái tháo đường dẫn đến biến chứng về thận sẽ làm tăng gấp đôi tỷ lệ người bệnh suy tim và ngược lại. Vì vậy, việc giảm huyết áp sẽ ngăn chặn nguy cơ biến chứng ở mạch máu lớn và vi mạch, khống chế tốt huyết áp và đạm niệu sẽ làm chậm tiến triển bệnh thận đái tháo đường.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là phương pháp hữu hiệu để giảm tình trạng bệnh. Theo đó, người bệnh nên ăn nhạt, giảm mỡ; không hút thuốc lá, giảm cân, tăng cường và hoạt động thể chất đều đặn.

Ngoài ra, bác sĩ Phương Dung lưu ý thêm, khi điều trị đái tháo đường, người bệnh cần được đồng thời tầm soát và kiểm soát các biến chứng trên thận, tim mạch. Theo đó, bên cạnh độ lọc cầu thận, người bệnh đái tháo đường nên được tầm soát đạm niệu ít nhất một lần mỗi năm, trường hợp đã xuất hiện biến chứng trên thận thì cần tầm soát một năm hai lần.

Phi Hồng

Trả lời