Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, cải thiện tinh thần, bỏ qua kỳ thị có thể giúp người mắc ung thư phổi tăng tỷ lệ sống sót.
Bên cạnh liệu pháp điều trị, chất lượng thuốc đang dùng, các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều yếu tố tự nhiên tác động đến khả năng sống sót của bệnh nhân sau khi mắc ung thư phổi. Người bệnh biết cách dung hòa giữa các yếu tố tự nhiên, thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ có thể cải thiện tốt tình trạng bệnh của bản thân.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Một nghiên cứu của Mỹ đánh giá trên gần 150 người bị ung thư phổi xem xét tác động của các mối quan hệ xã hội đối với bệnh tật, tỷ lệ tử vong do nhiều bệnh. Kết quả cho thấy những người có mối quan hệ xã hội tốt hơn thường có khả năng sống sót cao hơn 50%.
Một người khi được chẩn đoán mắc ung thư phổi, cảm giác đầu tiên của họ là hoang mang, lo lắng và dần rơi vào suy sụp. Thời điểm đó, họ cần nhất một người giãi bày khúc mắc, tâm sự về căn bệnh đang mắc phải. Trước nhu cầu đó, một đơn vị hỗ trợ có thể giúp ích để người bệnh học cách tiếp nhận thực tế và sẵn sàng sống chung với bệnh.
Biết các triệu chứng của bệnh trầm cảm
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo lắng là yếu tố dự báo khả năng sống sót của những người bị ung thư. Mối liên hệ này đặc biệt mạnh mẽ giữa những người sống chung với ung thư phổi.
Trầm cảm ở những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối khiến họ chỉ sống được một nửa thời gian so với những người không bị trầm cảm, trong cùng giai đoạn bệnh. Trong một nghiên cứu khác, thời gian sống trung bình ở những người mắc ung thư nhưng bị trầm cảm ít hơn 4 lần.
Nguy cơ tự tử ở những người mắc bệnh ung thư cũng cao hơn từ 2-10 lần so với dân số chung. Nguy cơ cao nhất đối với nam giới, nhất là trong những tháng đầu tiên sau khi được chẩn đoán ung thư.
Yêu cầu dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ
Chăm sóc giảm nhẹ là một cách tiếp cận nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người gặp phải tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Chăm sóc giảm nhẹ có vai trò giải quyết các nhu cầu và mối quan tâm về tình cảm, thể chất cũng như tinh thần chứ không phải dịch vụ chăm sóc thể chất như nhiều người hiểu lầm. Trong đó, mọi người gặp gỡ với một nhóm bao gồm bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội, nói ra những vấn đề mình đang gặp phải trong quá trình điều trị ung thư, từ đó giải quyết toàn bộ các mối quan tâm.
Một nghiên cứu năm 2010 của Mỹ chứng minh rằng những người bị ung thư phổi giai đoạn cuối được tư vấn chăm sóc giảm nhẹ sau khi chẩn đoán mắc bệnh thường sống sót lâu hơn trung bình 2,5 tháng so với những người không được tư vấn.
Nuôi dưỡng đời sống tinh thần
Một đời sống tinh thần tích cực, bao gồm đời sống tâm linh có thể đóng một vai trò trong sự sống còn của bệnh ung thư phổi. Viện Ung thư Quốc gia Mỹ định nghĩa tâm linh là niềm tin của mỗi cá nhân về ý nghĩa của cuộc sống. Đối với một số người, điều này có thể mang hình thức tôn giáo có tổ chức. Đối với những người khác, nó có thể thể hiện bằng thiền, yoga hoặc giao tiếp với thiên nhiên.
Những người bị ung thư phổi giai đoạn cuối nếu có đời sống tâm linh tích cực hơn thường có phản ứng tốt hơn với hóa trị và có thể sống tốt trong một thời gian dài hơn. Ngay cả khi một cuộc sống tinh thần tích cực không cải thiện khả năng sống sót, các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng tâm linh rõ ràng đóng một vai trò trong việc đối phó với bệnh ung thư, chất lượng cuộc sống khi sống chung với bệnh ung thư.
Vượt qua kỳ thị
Hầu hết những người mắc bệnh ung thư phổi đã quá quen thuộc với sự kỳ thị của căn bệnh này. Những nhận xét thiếu nhạy cảm như “Bạn đã hút thuốc bao lâu” có thể gây căng thẳng với người mắc ung thư phổi đang cố gắng đối phó với sự khắc nghiệt của các phương pháp điều trị. Bên cạnh đó, sự kỳ thị về bệnh ung thư phổi còn khiến một số người không nhận được sự chăm sóc đầy đủ.
Một chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm cho một người cảm thấy tốt hơn, nó cũng có thể làm giảm nguy cơ tái phát ung thư. Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR) đã đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống để ngừa ung thư. Đối với những người sống sót sau ung thư, họ khuyên bạn nên làm theo các hướng dẫn này để cố gắng ngăn ngừa bệnh tái phát.
Vận động nhẹ nhàng
Hoạt động thể chất được chứng minh là có vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư phổi, nhưng vẫn chưa rõ liệu nó có thể cải thiện khả năng sống sót ở những người đã sống chung với căn bệnh này hay không.
Đối với những người còn có thể tập thể dục, vận động nhẹ giúp giảm khả năng tử vong sớm do ung thư phổi, giảm nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến tuổi tác khác. Ngoài sự sống còn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh ung thư phổi.
Bỏ hút thuốc
Người mắc ung thư phổi nếu tiếp tục hút thuốc sau khi được chẩn đoán bị ung thư phổi sẽ khiến khả năng sống sót trở nên thấp hơn. Trước đây, các nghiên cứu cho rằng những người bỏ hút thuốc sau khi được chẩn đoán ung thư phổi, kết quả phẫu thuật hay đáp ứng xạ trị của họ cũng sẽ tốt hơn.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, đối với những người bị ung thư phổi giai đoạn đầu việc bỏ thuốc còn có tác động đáng kể .Ở những người bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn đầu, khả năng sống sót sau 5 năm tăng hơn gấp đôi ở những người không bỏ hút thuốc lá sau khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Cuối cùng, người mắc ung thư phổi cần biết các triệu chứng cấp cứu ung thư phổi. Bởi lẽ có nhiều triệu chứng, sự đau đớn có thể được xử lý hay điều trị một cách dễ dàng tại các phòng cấp cứu của các bệnh viện.
Anh Chi (Theo VeryWellHealth)