Cách tránh khó thở khi ăn cho người mắc COPD Leave a comment

Người mắc bệnh COPD nên bổ sung nhiều protein và chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để hạn chế cảm giác khó thở.

Một trong những triệu chứng thường thấy ở người mắc bệnh viêm phổi mạn tính (COPD) là khó thở và thở khò khè. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt mà còn cản trở quá trình ăn uống. Dưới đây là những cách giúp người bệnh COPD ăn uống thoải mái hơn.

Ngồi thẳng

Ngả ra sau hoặc cúi người trong khi ăn có thể gây áp lực lên phổi. Vì vậy, người mắc bệnh COPD nên tập tư thế ngồi thẳng khi ăn và giữ chân trên sàn. Điều này giúp phổi được mở rộng hoàn toàn và có thể hỗ trợ cả hô hấp và tiêu hóa.

Bổ sung protein

Protein đóng một vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của mọi người, nhất là người mắc bệnh COPD. Do đó, các nhà khoa học khuyến nghị người bệnh nên cố gắng bổ sung lượng protein cho cơ thể ít nhất hai lần mỗi ngày để tăng cường cơ thở và ngăn ngừa nhiễm trùng. Các nguồn thực phẩm dồi dào protein gồm: trứng, thịt nạc, cá, thịt gia cầm, các loại đậu và các loại hạt.

Ăn nhiều chất xơ

Bệnh nhân COPD thường xuyên dùng thuốc anticholinergic nên dễ gây táo bón. Tình trạng này không chỉ gây đầy hơi mà còn góp phần tạo thêm áp lực cho cơ hoành. Theo các nhà khoa học, mỗi người nên bổ sung từ 20-35g chất xơ mỗi ngày. Các thực phẩm giàu chất xơ như: rau, các loại đậu khô, cám, ngũ cốc nguyên hạt, gạo, ngũ cốc, mì ống và trái cây tươi.





Bổ sung chất xơ đầy đủ sẽ giúp người bệnh COPD hạn chế cảm giác đầy hơi và táo bón. Ảnh: Freepik

Bổ sung chất xơ đầy đủ sẽ giúp người bệnh COPD hạn chế cảm giác đầy hơi và táo bón. Ảnh: Freepik

Cắt giảm muối

Ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể tích nước và gây áp lực lên phổi; từ đó, khiến bệnh COPD thêm trầm trọng hơn. Để bổ sung natri và ngăn tích nước trong cơ thể, người bệnh nên sử dụng các loại thảo mộc và gia vị không chứa muối. Nếu dùng thực phẩm đã qua chế biến, hãy hạn chế các sản phẩm có hơn 300 miligam natri trong một khẩu phần ăn.

Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ

Thời gian ăn quá lâu cũng là nguyên nhân khiến người bệnh COPD thêm khó thở và dễ mệt mỏi. Thay vì tập trung ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, các bác sĩ khuyến nghị những đối tượng này nên chia các bữa ăn thành 5-6 bữa nhỏ. Cách làm này sẽ giúp giảm áp lực trong dạ dày sau khi ăn và giảm nguy cơ ợ chua.

Chọn thức ăn dễ nhai

Những món ăn quá cứng thường khó nuốt và dễ dẫn đến nguy cơ bị ngạt thở. Ngoài ra, hành động nhai thức ăn quá kỹ cũng làm giảm năng lượng trong bữa ăn. Vì vậy, những người mắc bệnh COPD nên ưu tiên các loại thịt mềm, chín kỹ. Vào những ngày mệt mỏi, người bệnh có thể ăn cháo hoặc các thức uống giàu protein.

Huyền My (Theo WebMD, Verywell Health)

Trả lời