Can thiệp ít xâm lấn cứu bệnh nhân phình động mạch chủ lớn Leave a comment

Bệnh nhân bị phình tách động mạch chủ vị trí phức tạp, vết rách 20 mm, khối phình 64 mm, được bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh can thiệp kịp thời.

Ông Phùng Văn Thái (75 tuổi, Bắc Ninh) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng đau từ vùng thượng vị, kèm theo các cơn choáng, ngất với tần suất dày đặc. Sau khi thăm khám và khai thác bệnh sử, bệnh nhân được chẩn đoán bị phình tách động mạch chủ ngực – bụng, có bệnh nền tăng huyết áp, xơ gan, teo thận trái, kèm các tổn thương rất phức tạp; vết rách động mạch lớn 20 mm, khối phình 64 mm.

Ông Thái cho biết những cơn đau dai dẳng này kéo dài 11 năm nhưng chưa có cách nào điều trị dứt điểm. Gần đây, tình trạng đau trở nên dữ dội, các cơn khó thở, choáng, ngất xuất hiện nhiều, ông gần như không thể ăn uống, sinh hoạt bình thường.





Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Nhận định đây là trường hợp nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ngay lập tức hội chẩn toàn viện với các giáo sư đầu ngành và chỉ định phẫu thuật bắc cầu nối động mạch cảnh, kết hợp đặt stent graft để kịp thời xử lý các tổn thương cho bệnh nhân.

Theo BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, vết rách động mạch của bệnh nhân rất lớn, kèm theo khối phình to nằm tại vị trí khó can thiệp, chỉ cần sai sót nhẹ cũng khiến cho người bệnh gặp tai biến và nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, bệnh nhân còn có nhiều bệnh nội khoa phức tạp.





Vết rách lớn tại vị trí lắt léo gây khó khăn cho quá trình can thiệp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Vết rách lớn tại vị trí lắt léo gây khó khăn cho quá trình can thiệp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Trước khi can thiệp đặt stent graft, bệnh nhân được phẫu thuật bắc cầu nối động mạch cảnh, từ động mạch cảnh chung phải sang động mạch cảnh chung trái và động mạch dưới đòn trái, để đảm bảo máu được lưu thông và tiếp tục cung cấp cho não, cánh tay… Đây là một kỹ thuật khó, liên quan đến giải phẫu vùng cổ, có thể gây tổn thương thần kinh và ống ngực với bất kỳ sai sót nhỏ nào.

Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng tại phòng mổ hybrid, có sự phối hợp của các chuyên khoa Tim mạch, Ngoại tổng hợp, Trung tâm Gây mê hồi sức, điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ. Vết rách 20 mm và khối phình 64 mm được xử lý hoàn toàn, bệnh nhân sớm thoát mê và rút nội khí quản ngay sau khi kết thúc can thiệp. Hiện, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Bác sĩ Hưng cho biết, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, phương pháp đặt stent graft đã được áp dụng điều trị thành công cho nhiều ca bệnh. Đây là phương pháp can thiệp nội mạch, sử dụng stent graft để loại trừ đoạn động mạch bị phình, giảm nguy cơ vỡ động mạch, điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch và giảm áp lực gây giãn phình động mạch. Kỹ thuật ít xâm lấn này giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 16%, giảm biến chứng so với phẫu thuật mở. Đồng thời, giúp giảm tình trạng mất máu, nguy cơ nhiễm trùng, thời gian nằm viện và hồi sức cho người bệnh. Đây là phương pháp phù hợp với bệnh nhân cao tuổi, sức khỏe yếu, kèm theo nhiều bệnh nền, không đủ điều kiện để mổ mở và có nhiều yếu tố nguy cơ cao.





Can thiệp đặt stent được thực hiện tại phòng mổ hybrid hiện đại của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Can thiệp đặt stent được thực hiện tại phòng mổ hybrid hiện đại của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

ThS.BS. Nguyễn Tuấn Long, bác sĩ can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khuyến cáo, phình động mạch chủ là trường hợp cấp cứu tim mạch nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao nếu không phát hiện kịp thời. Gần 20% bệnh nhân tử vong trước khi đến bệnh viện. Nếu không can thiệp, tỷ lệ tử vong là 25% trong 6 giờ đầu và 50% trong 24 giờ. Trong một tuần, 2/3 bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được điều trị. Trường hợp túi phình động mạch chủ vỡ vào khoang tự do (khoang phúc mạc hoặc khoang màng phổi) thì tỷ lệ tử vong là 100%. Do đó, những người có yếu tố nguy cơ như bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì, thường xuyên hút thuốc lá, nam nữ trên 55 tuổi hoặc gia đình có người mắc bệnh tim mạch nên thường xuyên đi khám sức khỏe để phát hiện sớm, kịp thời xử trí, tránh biến chứng nguy hiểm.

Tên nhân vật đã được thay đổi.

Linh Đặng

Trả lời