Cẩn trọng bệnh tăng huyết áp ở trẻ Leave a comment

Thừa cân, béo phì, sinh non, tinh thần căng thẳng hay mắc một số bệnh lý về thận… là những nguyên nhân khiến trẻ có nguy cơ tăng huyết áp.

Chị Thu Giang (Quận 1, TP HCM) cùng con trai 8 tuổi đến khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Qua kiểm tra tổng quát, bác sĩ ghi nhận bé thừa cân, béo phì, các xét nghiệm tầm soát khác đều trong giới hạn bình thường. Khi đo dấu hiệu sinh tồn phát hiện bé trai có khả năng bị tăng huyết áp. Chị Giang ngạc nhiên với thông tin bác sĩ cung cấp bởi bé còn khá nhỏ tuổi, không có dấu hiệu của căn bệnh này.

Cũng như chị Giang, chị Quỳnh Mai (Quận Tân Bình, TP HCM) bất ngờ khi nghe bác sĩ thông báo con gái 5 tuổi của chị gặp tình trạng tăng huyết áp. Tại thời điểm thăm khám, bé có hiện tượng nhức đầu, mặt đỏ bừng, thị lực giảm. Ban đầu chị nghĩ rằng do thời tiết nắng nóng, bé vui chơi hoạt động ở nhà quá sức nên có thể bị cảm sốt, hoàn toàn không nghĩ đến chuyện bé tăng huyết áp – một căn bệnh chị Mai nghĩ chỉ xảy ra ở người già, lớn tuổi.





Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

BS.CKI Vũ Năng Phúc – Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, tỷ lệ tăng huyết áp ở trẻ em hiện nay gia tăng, nguy cơ kéo dài đến tuổi trưởng thành. Nguyên nhân là do tình trạng thừa cân béo phì gia tăng gấp đôi so với 30 năm về trước. Đa phần tăng huyết áp thường không có triệu chứng. Hầu hết bậc cha mẹ đều lầm tưởng rằng bệnh lý này chỉ xảy ra ở tuổi trưởng thành, do đó dẫn đến tâm lý chủ quan, ít quan tâm đến vấn đề tăng huyết áp ở con trẻ. Người lớn chỉ đưa đến bệnh viện thăm khám khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như: tim đập nhanh, giảm thị lực, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, vã mồ hôi…

Theo khuyến cáo của Hội Nhi khoa Mỹ vào tháng 3/2020, tất cả trẻ khỏe mạnh trên 3 tuổi đều nên kiểm tra huyết áp mỗi năm tại cơ sở y tế. Đối với trẻ sinh non, cân nặng lúc sinh dưới 2.500 gr, có bệnh thận, bệnh tim bẩm sinh cần kiểm tra huyết áp sớm hơn ngay sau sinh. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nếu có tiền căn sinh non dưới 32 tuần tuổi, cân nặng lúc sinh dưới 2500 gr, có bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý ở thận… cần kiểm tra huyết áp ở mỗi lần thăm khám.

Sau khi đo huyết áp bằng máy đo điện tử hoặc máy cơ, trẻ được xác định tăng huyết áp khi chỉ số huyết áp tương đương hoặc cao hơn bách phân vị thứ 95 so với chỉ số huyết áp bình thường của các bạn cùng trang lứa (xét theo độ tuổi, chiều cao, giới tính).

BẢNG CHỈ SỐ HUYẾT ÁP

(Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ)

Độ tuổi

Chiều cao (cm)

Chỉ số huyết áp bình thường (mmHg)

Từ 1 – 12 tháng

Từ 72/37 đến 104/56

Từ 1 – 2 tuổi

77 – 98

Từ 85/37 đến 113/69

Từ 3 – 5 tuổi

92 – 120

Từ 91/46 đến 120/80

Từ 6 – 12 tuổi

111 – 164

Từ 96/55 đến 131/62

Từ 13 – 17 tuổi

147 – 172

Từ 108/62 đến 143/94

Nếu chỉ số huyết áp của trẻ theo từng độ tuổi đo ở mức cao hơn bình thường, trẻ có dấu hiệu tăng huyết áp. Cha mẹ cần cho trẻ thăm khám để bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán chính xác hơn.

Theo bác sĩ Phúc, với những báo cáo gần đây, tỷ lệ tăng huyết áp ở trẻ em khoảng 4%. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều trường hợp không đi thăm khám hoặc chưa được phát hiện. Nguyên nhân tăng huyết áp được chia thành hai nhóm lớn: tăng huyết áp thứ phát và tăng huyết áp nguyên phát.

Tăng huyết áp thứ phát là tăng huyết áp do bất thường tại các cơ quan. Trong đó, bệnh lý tại thận (hẹp động mạch thận, thận đa nang, viêm cầu thận cấp, viêm đài bể thận…) chiếm tỷ lệ cao nhất gây tăng huyết áp thứ phát ở trẻ em. Ngoài ra, có thể do bệnh lý tim mạch (hẹp eo động mạch chủ, Takayasu…), nội tiết (cường giáp, nhược giáp, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh, cường Aldosteron…). Tăng huyết áp thứ phát thường biểu hiện sớm ở trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ dưới 9 tuổi.

Tăng huyết áp nguyên phát (còn gọi là tăng huyết áp vô căn), không xác định rõ nguyên nhân. Bệnh liên quan chặt chẽ với tình trạng thừa cân béo phì, chế độ ăn mặn nhiều muối, dầu mỡ, ít vận động, căng thẳng…

Để phòng ngừa tăng huyết áp ở trẻ, bác sĩ Phúc khuyên phụ huynh lưu ý quan tâm chế độ ăn uống của trẻ. Trong đó, chuyên gia nhấn mạnh việc ăn nhiều trái cây, rau xanh, sữa ít béo, các loại hạt, đậu; hạn chế tối đa sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường, chất béo không bảo hòa (trans fat) hay muối (chỉ dùng 1 – 2 gam/ngày cho trẻ 4 – 8 tuổi; 1,5 gam/ngày cho trẻ lớn hơn). Bên cạnh đó, cha mẹ cần khuyến khích trẻ vận động, tăng cường các hoạt động vui chơi ngoài trời, lựa chọn môn thể thao phù hợp với lứa tuổi của trẻ (từ 3-5 ngày/tuần, 30-60 phút/lần tập) để không chỉ nâng cao sức khỏe, cơ thể cân đối, giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, giảm nguy cơ tăng huyết áp.





Tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời giúp trẻ phòng ngừa tăng huyết áp. Ảnh: Shutterstock

Tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời giúp trẻ phòng ngừa tăng huyết áp. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ Phúc nhấn mạnh, trường hợp trẻ có tiền sử gia đình tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, thường xuyên tiếp xúc khói thuốc lá… cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ hàng năm.

Giống như người lớn, bệnh tăng huyết áp ở trẻ không có dấu hiệu đặc trưng nhất định. Một số triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực, nhìn kém,… có thể cảnh báo tình trạng tăng huyết áp. Do đó, để đảm bảo tính chính xác, chẩn đoán đúng bệnh, trẻ cần được khám chuyên khoa tim mạch. Các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm, hình ảnh học để tìm nguyên nhân, đánh giá biến chứng của tăng huyết áp trong giai đoạn ổn định.

Trong một số trường hợp, trẻ có thể đeo máy holter theo dõi huyết áp trong 24 giờ để xác định có bị tăng huyết áp hay không, từ đó có hướng điều trị phù hợp, kịp thời. Trường hợp huyết áp cao, trẻ sẽ được thăm khám, đánh giá huyết áp định kỳ ít nhất mỗi 3 tháng, song song với việc kết hợp thay đổi lối sống. Ngoài ra nếu phải dùng thuốc, trong thời gian đầu cần tăng liều thuốc, tái khám mỗi tháng, định kỳ 3 tháng một lần ở giai đoạn ổn định.

Gia Hưng

Trả lời