Cấp cứu thành công trường hợp u thận tự vỡ Leave a comment

Bệnh nhân có khối u ở hố thận phải tự vỡ hiếm gặp, nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng hông và tiểu ra máu ồ ạt.

Bác sĩ CKII Thi Văn Gừng – Trưởng đơn vị điện quang can thiệp, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hôm nay (28/4), cho biết: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vừa can thiệu cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân Lê Thị Hồng Nga, 39 tuổi, nhập viện (chiều 27/4) trong tình trạng đau dữ dội vùng hông lưng bên phải, tiểu ra khoảng 300 ml máu. Trước đó, bệnh nhân khỏe mạnh không phát hiện bệnh lý.





Hình ảnh chụp cho thấy bất thường trên thận phải của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Hình ảnh chụp cho thấy bất thường trên thận phải của bệnh nhân.

Qua thăm khám, bác sĩ sờ thấy có khối u khoảng 50×60 mm ở hố thận phải của bệnh nhân. Qua hình ảnh siêu âm, các bác sĩ phát hiện tổn thương cạnh bể thận và có máu cục trong lòng bàng quang, nghi ngờ do u thận phải vỡ, khả năng cao nhất là u mỡ cơ mạch thận (angiomyolipoma – AML). Chụp cắt lớp vi tính bụng (chụp CT) cho thấy bệnh nhân có hình ảnh chảy máu ở khối u thận phải (53x50x40 cm), tụ máu quanh thận và sau phúc mạc. “Các kết quả hình ảnh khẳng định chẩn đoán u mỡ cơ mạch thận là chính xác. Trường hợp u mỡ cơ mạch thận tự vỡ như bệnh nhân hiếm khi xảy ra”, bác sĩ Gừng đánh giá.

Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa Ngoại tiết niệu, Đơn vị can thiệp DSA – khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chỉ định can thiệp nội mạch cầm máu cấp cứu.

Bác sĩ Gừng, cho biết, với trường hợp bệnh nhân Nga, khối u mỡ cơ mạch thận phải khá lớn, có dấu hiệu xuất huyết và gây khối máu tụ lớn sau phúc mạc và bàng quang. Việc can thiệp phẫu thuật trong trường hợp này có thể gặp khó khăn, nguy cơ mất máu nhiều và khả năng cắt bỏ thận phải trong quá trình mổ rất cao. Do đó ekip quyết định lựa chọn giải pháp can thiệp nội mạch vì xâm lấn tối thiểu và giúp bệnh nhân bảo tồn được thận.

Bệnh nhân được can thiệp và chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) từ nhiều chiều hướng để xác định chính xác nhánh mạch nuôi u, vị trí chảy máu. Từ đó, bác sĩ lựa chọn vật liệu tắc mạch phù hợp nhất nhằm bảo tồn tối đa nhu mô thận bình thường cho người bệnh.





Hình ảnh can thiệp nội mạch thận cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Hình ảnh can thiệp nội mạch thận cho người bệnh.

Ca can thiệp thành công. Sau can thiệp, bệnh nhân ổn định dần, tiểu ra hơn 1.800 ml máu hồng nhạt, sau đó trong dần. Hiện bệnh nhân được theo dõi kỹ tại khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, còn sốt nhẹ, hơi đau tức bụng và buồn nôn.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Lê Tuyên – Trung tâm Tiết niệu thận học, u mỡ cơ mạch thận thận là một loại u thận lành tính chứa các thành phần mỡ, cơ trơn và mạch máu. Trên hình chụp mạch, khối u thường tăng sinh mạch với các mạch máu xoắn ốc, có các túi phình mạch… Do đó, u mỡ cơ mạch thận có nguy cơ xuất huyết cao, đặc biệt 90% u loại này lớn hơn 4cm có triệu chứng và nguy cơ xuất huyết cần can thiệp. Trong những trường hợp này, bác sĩ cần kiểm soát được huyết động và bảo tồn tối đa chức năng thận có thể cho bệnh nhân. Các lựa chọn điều trị bao gồm can thiệp nút mạch u, can thiệp đốt u và phẫu thuật cắt u. Trong trường hợp xuất huyết cấp tính, can thiệp nút mạch giúp ổn định huyết động nhanh chóng, bảo tồn được chức năng thận và ít xâm lấn. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hiệu quả cao của can thiệp nội mạch trong u mỡ cơ mạch thận xuất huyết với tỉ lệ chảy máu trở lại cũng như các biến chứng rất thấp. Nghiên cứu cũng cho thấy khối u sẽ giảm kích thước 33-43% sau can thiệp 6 tháng.





Ê kíp phẫu thuật sau ca can thiệp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Ê kíp phẫu thuật sau ca can thiệp.

Trước đó, các bác sĩ thuộc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cũng đã cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân 63 tuổi có vấn đề liên quan đến động mạch thận, tiểu ra máu ồ ạt.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Anh Minh
(Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM)

Trả lời