Chai bàn chân xử lý thế nào? Leave a comment

Những nốt chai chân bình thường nếu không được chăm sóc đúng cách có thể phát triển thành khối u gây đau, cần phải phẫu thuật.

Thạc sĩ – Bác sĩ Trương Hoàng Huy, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, chai chân là tình trạng có thể gặp ở mọi người, mọi lứa tuổi, ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời. Khi một vùng da bị tì đè, ma sát quá nhiều, phản ứng tự vệ của cơ thể sẽ xuất hiện. Cơ chế này tạo ra một lớp sừng để bảo vệ khu vực chịu tổn thương.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ chế tự vệ này không dừng lại, mà theo thời gian các lớp sừng không ngừng sản sinh và tích tụ, tạo thành những nốt chai lớn. Trước khi gây ra những cơn đau, các nốt chai chân thường xuất hiện và phát triển âm thầm trong thời gian dài.

Trong vùng chai, sẽ có một lõi màu trắng, trong y khoa gọi là “nhân”. Đây chính là nguyên nhân gây đau và khó chịu. Nhân này là một khối đặc và cứng, chèn ép lên những dây thần kinh xung quanh, gây đau. Bên cạnh đó, nhân là một khối xơ hoàn toàn, đã mất đi khả năng đàn hồi nên khi người bệnh di chuyển, vùng da xung quanh có cảm giác căng như bị xé rách và đau.





Chai chân có thể điều trị đơn giản Ảnh: Shutterstock

Chai chân có thể điều trị đơn giản Ảnh: Shutterstock

Theo bác sĩ Trương Hoàng Huy, giai đoạn đầu, chai chân có thể điều trị một cách dễ dàng tại nhà. Người bệnh có thể ngâm chân trong nước muối ấm khoảng 10 – 15 phút, để vùng da bị chai mềm đi. Sau đó, dùng một miếng bọt biển sạch hoặc dụng cụ chuyên dụng ma sát lên vùng chai này để loại bỏ lớp vảy sừng.

Ngoài ra, người bệnh có thể bôi các loại thuốc làm bạt sừng như axit salixylic. Tuy nhiên, với phương pháp này, khi bôi thuốc lên nốt chai chân, người bệnh cần lưu ý tránh để lan ra vùng da xung quanh, nếu không, có thể gây bỏng rát, tổn thương da. Một phương pháp điều trị khác là dùng những miếng đệm lót chân chuyên dụng. Những miếng lót này được thiết kế đặc biệt, thay đổi cấu trúc bàn chân, tránh tì đè lên vùng chai.

Khi tình trạng chai chân tái đi tái lại hoặc phát triển quá mức, trở thành một khối chai cứng, đau nhiều, người bệnh có thể được đề nghị thực hiện tiểu phẫu, loại bỏ hoàn toàn nốt chai. Quá trình tiểu phẫu diễn ra nhanh chóng, chỉ với 5 – 10 phút, trong tình trạng người bệnh được gây tê cục bộ.





Bác sĩ Trương Hoàng Huy trong một ca phẫu thuật. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Trương Hoàng Huy trong một ca phẫu thuật. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh giữ lại khối chai chân này và tiến hành xét nghiệm. Hầu hết khối u chai chân là lành tính, nhưng trong một số trường hợp, đây có thể là u ác tính hoặc có liên quan đến virus u nhú HPV. Sau khi thực hiện thủ thuật, mặc dù là tiểu phẫu nhưng da bàn chân rất dày, nên người bệnh cần 2 – 3 tuần để lành và cắt chỉ. Trong khoảng thời gian này, người bệnh cần được chăm sóc y tế chuyên nghiệp để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Bác sĩ Trương Hoàng Huy khuyến cáo, những người mắc bệnh tiểu đường đã phát triển thành hội chứng bàn chân đái tháo đường cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề chai chân. Ở những bệnh nhân này, cấu trúc bàn chân bị biến dạng, xuất hiện nhiều vùng tì đè, dễ dàng bị chai chân. Ở bàn chân đái tháo đường, biến chứng thần kinh ngoại biên dẫn đến việc mất cảm giác, người bệnh hoàn toàn không cảm nhận được những tổn thương, cảm giác ở bàn chân nên càng dễ xảy ra tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng, hoại tử…Tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như loét, cắt cụt chân.

Phi Hồng

Trả lời