Châm cứu chữa đau cơ xơ hóa Leave a comment

Châm cứu kích hoạt một số hoạt động của hệ thần kinh trung ương, hệ thống opioid nội sinh có tác dụng giảm đau, ức chế cơn đau.

Đau xơ cơ còn gọi là đau cơ xơ hóa, là một bệnh lý gây đau toàn thân. Bệnh phổ biến ở những phụ nữ từ 30-60 tuổi. Đối tượng mắc bệnh phổ biến là nhân viên văn phòng với đặc điểm công việc ít di chuyển và vận động. Cơn đau có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào như cơ, xương, gân, dây chằng và các tổ chức phần mềm khác của cơ thể. Dấu hiệu đặc trưng của đau cơ xơ hóa là những cơn đau từ sâu bên trong cơ nhưng khó xác định chính xác vị trí bị đau, cơn đau kèm theo cảm giác bỏng rát lan tỏa ra các khu vực khác trong một thời gian dài.

Y học hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây đau xơ cơ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể góp phần làm khởi phát hoặc trầm trọng thêm tình trạng này như căng thẳng thường xuyên, ngồi hoặc đứng quá lâu…

Bởi vì đau cơ xơ hóa là một tình trạng khó điều trị và nhiều người mắc bệnh này gặp khó khăn trong việc dung nạp thuốc cũng như thuốc bổ sung nên lâu nay, châm cứu chữa đau cơ xơ hóa (FM) đã trở nên khá phổ biến. Đặc biệt là khi ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của phương pháp điều trị này.

Châm cứu trong y học đã có từ khoảng 2.500 năm trước. Đây là một phương pháp y học cổ truyền của Trung Quốc bao gồm việc đặt những chiếc kim mỏng như tóc ở những điểm chiến lược trên cơ thể. Người châm cứu sẽ dùng kim đặt vào vị trí đau, kim bị xoắn cho đến khi người bị đau cảm thấy cảm giác rung, cảm giác này có tác dụng giảm đau.





Châm cứu có thể giảm đau. Ảnh: Freepik

Châm cứu có thể giúp giảm đau cơ. Ảnh: Freepik

Kim châm cứu sẽ kích hoạt vào các điểm myofascial, là những vùng cứng của mô liên kết có thể gây đau. Các nhà nghiên cứu từ xưa cho biết, châm cứu cho phép dòng chảy của một năng lượng sống được gọi là khí đi khắp cơ thể. Còn theo lý thuyết của y học phương Tây, châm cứu kích hoạt một số hoạt động trong cơ thể, bao gồm hệ thống thần kinh ngoại vi và trung ương, tế bào thần kinh đệm tủy sống, phản ứng viêm của hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, châm cứu còn có vai trò kích hoạt hệ thống opioid nội sinh (một cơ chế giảm đau tự nhiên trong hệ thần kinh), hệ thống ức chế đau trong hệ thống thần kinh trung ương (được cho là nguyên nhân gây rối loạn chức năng trong bệnh đau cơ xơ hóa).

Đối với chứng đau cơ xơ hóa, châm cứu có nhiều lợi ích sức khỏe như giảm mức độ đau, giúp người bị đau cơ xơ ngủ ngon hơn, kích hoạt hệ thống miễn dịch, tăng cường thư giãn, đồng thời tăng cường sức khỏe tổng thể cho người mắc chứng đau cơ xơ hóa. Bên cạnh đó, đau cơ xơ có một số ưu điểm so với các phương pháp điều trị đau cơ xơ hóa thông thường, chẳng hạn như rủi ro thấp, không có tương tác tiêu cực như dùng thuốc hay các chất bổ sung, không cần xét nghiệm thường xuyên trong phòng thí nghiệm.

Nghiên cứu sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) cho thấy châm cứu có tác động thực sự đến các cấu trúc não liên quan đến cơn đau do đau cơ xơ. Cụ thể châm cứu dẫn đến những thay đổi về mức độ của hai chất dẫn truyền thần kinh là serotonin và chất P.

Serotonin tham gia vào quá trình xử lý cơn đau, chu kỳ ngủ/thức, tỉnh táo, thèm ăn, ham muốn tình dục, tâm trạng và tiêu hóa. Chất P được giải phóng khi các tế bào thần kinh phát hiện ra các kích thích gây đau đớn và có liên quan đến ngưỡng đau (mức độ nhạy cảm của bạn với cơn đau). Các tác giả cho biết châm cứu dường như làm tăng serotonin và giảm chất P, có thể cải thiện các triệu chứng đau cơ xơ hóa.

Mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu lớn hơn và dài hơi hơn về châm cứu và đau cơ xơ nhưng cho đến nay, các nghiên cứu cho thấy châm cứu đang là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho chứng đau cơ xơ hóa. Châm cứu thường được coi là một lựa chọn điều trị bổ sung, có nghĩa là nó được thực hiện cùng với các phương pháp điều trị khác.

Song song với những tác dụng có lợi cho chứng đau cơ xơ, châm cứu còn tốt cho nhiều tình trạng khác như viêm cơ tủy myalgic và hội chứng mệt mỏi mạn tính, nhức đầu và đau nửa đầu, hội chứng ruột kích thích, đau bụng kinh, đau lưng dưới, trầm cảm, mất ngủ, viêm khớp…

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích được chứng minh, châm cứu có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như mệt mỏi, đau tại chỗ châm cứu, nhức đầu, bầm tím và chảy máu tại vị trí kim châm. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, Những người đang bị rối loạn chảy máu, dùng thuốc tan máu…nên thận trọng với phương pháp châm cứu. Ngoài ra, trước khi thử một phương pháp mới nào, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ chủ trị để bác sĩ nắm rõ tình hình và đưa ra quyết định có được phép sử dụng biện pháp châm cứu hay không.

Anh Chi (Theo Very Well Health)

Trả lời