Chàng trai 26 tuổi bị nhồi máu cơ tim Leave a comment

Phú ThọNam thanh niên 26 tuổi đang uống rượu thì nôn, đau ngực trái, khó thở, được đưa vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ ngày 9/6 thông tin, người bệnh tiền sử khỏe mạnh, hút thuốc lá khoảng 1-2 bao mỗi ngày, chưa có bệnh lý mạn tính trước đây. Khi vào viện, bác sĩ điện tim, chụp chiếu, nhận thấy tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, tắc hoàn toàn nhánh liên thất trước của động mạch vành trái. Người bệnh được chỉ định dùng thuốc, can thiệp đặt một stent vào vị trí động mạch bị tắc.





Hình ảnh mạch vành của người bệnh bị tắc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hình ảnh mạch vành của người bệnh bị tắc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu đột ngột nuôi tim do tắc nghẽn động mạch vành. Bệnh cần cấp cứu kịp thời, nếu không có thể dẫn tới tổn thương, hoại tử cơ tim gây suy tim, tử vong.

Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu. Bệnh nhân thường có triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, đặc biệt là xuất hiện cơn đau thắt ngực, mức độ có thể dao động từ ít như đè nặng, đến mức đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt. Cơn đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái, kéo dài 20-30 phút hoặc hơn. Ngoài ra, người bệnh cảm thấy khó thở, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt thậm chí là ngất hay đột tử.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, nhận định bệnh lý này thường gặp ở người trung niên khoảng 40-50 tuổi, nam giới có thói quen hút thuốc lá, bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên thế giới gần đây cho thấy tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi hiện hơn 10% tổng số ca. Như chàng trai trên, bị nhồi máu cơ tim ở tuổi còn rất trẻ và khỏe mạnh là sự bất thường.

Có nhiều nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi, trong đó lối sống ảnh hưởng rất lớn. Chế độ sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh dễ gây hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng. Một số nguyên nhân khác như căng thẳng, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá… là yếu tố nguy cơ. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nhà khoa học, khói thuốc là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đột quỵ, phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bệnh nhân nói trên hút thuốc lá nhiều năm, là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây hẹp mạch vành, tạo nên những cơn co thắt tim, gây nhồi máu cơ tim. May mắn sau can thiệp, anh đã hết khó thở, đỡ đau ngực, sức khỏe dần ổn định.

Theo bác sĩ Sơn, một số biện pháp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh là không hút thuốc lá, lên kế hoạch cai thuốc nếu nghiện; duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học; giữ cân nặng ở mức cho phép. Bên cạnh đó, rèn luyện thể lực đều đặn 30 phút/ngày; giữ tinh thần thoải mái, tránh tối đa căng thẳng. Trong trường hợp không thể tự thoát khỏi tình trạng stress kéo dài, hãy nhờ tới sự trợ giúp của người thân, bạn bè, bác sĩ tâm lý.

Khi có những cơn co thắt tim, người bệnh nên đi kiểm tra. Bác sĩ có thể thực hiện điện tim gắng sức, đây là biện pháp giúp phát hiện các vấn đề về tim mạch, đặc biệt, những người dễ bị nhồi máu cơ tim như cao huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường, hút thuốc…

Thúy Quỳnh

Trả lời