Chế độ ăn uống cho người thường xuyên chóng mặt Leave a comment

Ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu đạm, chất sắt, vitamin C, vitamin nhóm B, magie; hạn chế ăn mặn; chất béo có hại… tốt cho người hay bị chóng mặt.

Chóng mặt là một triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý, có thể liên quan đến hệ thần kinh tiền đình, mạch máu não, thiếu máu, mất ngủ kéo dài, tăng huyết áp, tổn thương hệ thần kinh trung ương… Khi bị chóng mặt, người bệnh có thể đi kèm các biểu hiện nhẹ khác như hoa mắt, ù tai, buồn nôn, mất thăng bằng dễ té ngã. Nếu tình trạng nặng hơn, người bệnh chỉ nằm được ở một tư thế, không thể ngồi dậy, nôn ói, mở mắt ra thấy mọi vật quay cuồng, đầu nặng, sợ ánh sáng, huyết áp hạ, người mệt lả…

Bác sĩ chuyên khoa I Đào Thị Yến Thủy – Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết, bên cạnh đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời, người thường bị chứng chóng mặt cần lưu ý ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Chế độ ăn nên ưu tiên các dưỡng chất có lợi cho hệ thần kinh, máu huyết và giúp nâng cao sức khỏe, đề kháng.

Thực phẩm giàu đạm và chất sắt: như thịt đỏ (heo, bò…), cá đỏ (cá nục, cá ngừ, cá hồi…), trứng, gan, huyết… là nguồn nguyên liệu quan trọng để tạo lượng máu đầy đủ, đảm bảo nhiệm vụ nuôi dưỡng cho hệ thần kinh trung ương và cơ thể. Mỗi bữa ăn cần 1-2 món mặn với thịt, cá, trứng với khoảng 70-100 g ở người trưởng thành.

Thực phẩm giàu vitamin C: vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh, góp phần chống lại các gốc tự do không tốt cho tế bào não và hỗ trợ duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tiêu thụ 600 mg vitamin C mỗi ngày, kết hợp với các hợp chất khác trong 8 tuần có thể kiểm soát bệnh đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiền đình. Vitamin C cũng giúp tăng hấp thu các chất khoáng vi lượng (sắt, kẽm…) cần thiết cho hoạt động trí não. Một số thực phẩm dồi dào loại vitamin này như trái cây họ cam quýt, sơ ri, dâu tây, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh, khoai lang, củ cải trắng, xoài, đu đủ, dứa, bắp cải, kiwi, rau lá có màu xanh đậm…





Người chóng mặt nên ăn thực phẩm giàu vitamin, magie, đạm... Ảnh: Shutterstock

Người chóng mặt nên ăn thực phẩm giàu vitamin, magie, đạm… Ảnh: Shutterstock

Thực phẩm giàu vitamin B6: thực phẩm giàu vitamin nhóm B, nhất là vitamin B6 rất tốt cho người bệnh chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiền đình… Vitamin B6 giúp tăng cường hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Đây cũng là thực phẩm góp phần đẩy lùi chứng hoa mắt, buồn nôn, nhất là khi uống thuốc gặp tác dụng phụ. Thiếu vitamin B6 ảnh hưởng tới hệ điều hành tiền đình, gây ra các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn.

Các thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu vitamin B6 như: thịt gà, lợn, bò, gan, thận, cá hồi, cá ngừ… Các loại rau củ quả chứa vitamin B6 như: cam, táo, chuối, đu đủ, bơ, quả óc chó, quả hạnh nhân, ngũ cốc, khoai tây, khoai lang, các loại đậu, hạt, cà chua, bí ngô, rau bina…

Thực phẩm giàu vitamin B9 (axit folic): ngoài việc tham gia vào quá trình phát triển và phân chia tế bào, sản xuất hồng cầu, vitamin B9 còn tham gia tạo các chất dẫn truyền thần kinh ở não. Nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B9 là gan động vật (bò, gà, lợn), rau có lá màu xanh đậm, súp lơ xanh, măng tây, đậu bắp… Các loại hạt như bí đỏ, hướng dương, hạt hạnh nhân, đậu phộng… cũng chứa các dưỡng chất có lợi cho hệ thần kinh và tăng cường lưu thông máu.

Thực phẩm giàu vitamin D: chóng mặt thường đi kèm với ù tai, rối loạn tiền đình ốc tai và vitamin D giúp hạn chế, khắc phục xơ cứng tai. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin D bao gồm cá, trứng, sữa và các loại ngũ cốc, các chế phẩm từ đậu nành (đậu phụ, sữa đậu nành), các loại nấm…

Thực phẩm giàu magie: magie có vai trò quan trọng trong việc điều hòa các chức năng của dây thần kinh, làm dịu thần kinh. Người bệnh nên bổ sung thực phẩm giàu magie trong chế độ ăn như: hải sản biển và cá nước ngọt, thịt các loại, các loại rau lá màu xanh đậm, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt.

Nước: giúp cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt hơn. Mỗi ngày, một người nên bổ sung từ 1,5-2 lít nước (bao gồm nước trong canh, súp, cháo…) để cân bằng cơ thể. Nước còn giúp bài tiết các độc tố (nguyên nhân làm đau đầu và chóng mặt) dễ dàng.

Thảo dược, gia vị: có lợi cho người hay gặp triệu chứng khó chịu này. Ví dụ, gừng có tác dụng làm ấm cơ thể, góp phần kích thích sự lưu thông của máu tới não. Trong các món ăn hàng ngày, gừng hỗ trợ hệ tiêu hóa, cải thiện buồn nôn. Vị cay nồng của gừng cũng giúp triệu chứng chóng mặt, hoa mắt… thuyên giảm hơn. Bạn có thể sử dụng trà gừng vào buổi sáng hoặc trưa.

Đối với thực phẩm nên hạn chế, theo bác sĩ Yến Thủy, người bệnh đau đầu, chóng mặt nên tránh dùng thức ăn nhiều muối, nhiều chất béo. Sử dụng các loại thực phẩm này dễ gây tăng huyết áp, tăng cân, béo phì, bệnh mạch vành và gây ra tình trạng chóng mặt. Các thực phẩm chế biến nhanh, dưa muối, cà muối, khoai tây chiên, thịt nguội, xúc xích, thịt xông khói, cá sốt cà, gà rán… thường mặn, chứa nhiều chất béo bão hòa khiến khó tiêu, tăng huyết áp, chóng mặt. Mỗi người không nên tiêu thụ quá 6 g muối mỗi ngày để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.





Các món chiên, xào, rán... góp phần làm tăng huyết áp và gây chóng mặt. Ảnh: Shutterstock

Các món chiên, xào, rán… góp phần làm tăng huyết áp và gây chóng mặt. Ảnh: Shutterstock

Ăn quá ngọt và dùng đồ uống chứa nhiều đường cũng là một trong những lý do khiến tình trạng tổn thương mạch máu kéo dài. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo, mỗi người hàng ngày chỉ nên tiêu thụ tối đa 4 muỗng cà phê đường (tương đương 20 g đường) để an toàn cho sức khỏe.

Người bệnh cần tránh các loại đồ uống và thực phẩm có chứa các chất kích thích như: thức ăn lên men, cà phê, rượu, bia, thuốc lá…. Rượu bia và các đồ uống chứa cồn dễ làm mất cân bằng lượng nước cần thiết trong cơ thể và gây ra choáng váng, xây xẩm mặt mày. Trong khi đó, chất caffein có trong cà phê có thể làm co thắt mạch máu và tăng các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt.

Bình An

Trả lời