Chế độ dinh dưỡng giúp cơ thể khỏe mạnh trong đại dịch Leave a comment

Ăn đa dạng thực phẩm, uống đủ nước… hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh để phòng, chống bệnh tật cũng như mau hồi phục nếu nhiễm bệnh.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng thực phẩm nạp vào cơ thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người. Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì, dễ dẫn tới bệnh tiểu đường tuýp 2, một số bệnh ung thư, sâu răng, tim mạch… Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các chuyên gia y tế cũng chứng minh những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc khả năng tử vong khi nhiễm virus cao hơn người bình thường. Do đó, ăn uống và sinh hoạt khoa học sẽ góp phần tạo nên một cơ thể khỏe mạnh, giúp những người bị nhiễm coronavirus mau chóng phục hồi.

Dưới đây là lời khuyên về chế độ ăn uống của Cục Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm của WHO giúp mọi người khỏe mạnh trong thời kỳ dịch bệnh.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên bú mẹ

Trẻ sơ sinh nên bắt đầu bú mẹ trong giờ đầu tiên sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Từ 6 tháng tuổi, sữa mẹ nên được bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm đầy đủ chất, an toàn và giàu chất dinh và cần tiếp tục cho bé bú sữa mẹ đến 2 tuổi hoặc hơn. Trong thời kỳ ăn dặm, cha mẹ không nên thêm muối hoặc đường vào thức ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.





Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ. Ảnh: Parents

Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ảnh: Parents

Bên cạnh đó, WHO cho rằng chưa phát hiện lây truyền nCoV qua sữa mẹ và qua việc cho trẻ bú mẹ. Do vậy, không có lý do gì để không hoặc ngừng cho trẻ bú mẹ dù mẹ bị nhiễm nCoV. Người mẹ nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dùng dung dịch rửa tay có cồn, đặc biệt là trước khi chạm vào trẻ; đeo khẩu trang y tế bất cứ khi nào tiếp xúc với trẻ, kể cả khi cho trẻ bú; hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy, sau đó loại bỏ khăn giấy ngay và rửa tay lại; thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà người mẹ đã chạm vào.

Điều quan trọng là phải thay khẩu trang y tế ngay khi thấy khẩu trang bị ẩm và vứt vào thùng rác có nắp đậy. Không nên tái sử dụng hoặc chạm vào mặt trước của khẩu trang.

Ăn nhiều loại thực phẩm

Trẻ lớn và người lớn cần đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh bằng cách kết hợp nhiều loại thực phẩm, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt (lúa mỳ, lúa mạch, lúa mạch đen, ngô hoặc gạo); củ hoặc rễ (khoai tây, khoai mỡ, khoai môn hoặc sắn); các loại đậu (đậu lăng), rau và trái cây; thực phẩm từ nguồn động vật (thịt, cá, trứng và sữa)

Chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng cung cấp nguồn vi chất dinh dưỡng tốt (vitamin và khoáng chất) rất cần thiết cho hệ thống miễn dịch hoạt động tốt và đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống bệnh tật dù đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho cơ thể có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi Covid-19.

Ăn ít muối và đường

Hạn chế ăn mặn: Chế độ ăn giàu natri (bao gồm cả muối) làm tăng nguy cơ cao huyết áp, dẫn đến bệnh tim và đột quỵ. Việc ăn nhạt giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tật do Covid-19. WHO khuyến nghị người lớn nên tiêu thụ ít hơn 5g muối mỗi ngày (tức là ít hơn 2g natri mỗi ngày). Đối với trẻ em, lượng muối cần giảm thêm và dựa trên nhu cầu năng lượng.

Hạn chế ăn nhiều đường: Chế độ ăn nhiều đường có nguy cơ gây thừa cân hoặc béo phì, tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ cũng như tăng nguy cơ sâu răng. Những người có tình trạng bệnh từ trước (như bệnh tim và tiểu đường) dễ bị bệnh nặng hơn khi mắc Covid-19.

WHO khuyến nghị giảm lượng đường xuống dưới 10% tổng năng lượng ăn vào và đề nghị giảm xuống dưới 5% tổng năng lượng ăn vào để mang lại lợi ích cho sức khỏe. Hạn chế tiêu thụ nước ngọt và sirô, sữa có hương vị… vì chúng chứa nhiều đường.





[Caption]. Ảnh: Personal Trainer

Ăn đa dạng thức ăn với lượng đường và muối vừa phải giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Ảnh: Personal Trainer

Ăn một lượng vừa phải chất béo và dầu

Ăn quá nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo không lành mạnh (chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Việc mắc sẵn các bệnh lý mãn tính như tim mạch dễ khiến người bệnh chuyển nặng, thậm chí tử vong khi nhiễm nCoV. Do đó, WHO khuyến nghị hạn chế tổng lượng chất béo ăn vào dưới 30% tổng năng lượng, trong đó, không quá 10% từ chất béo bão hòa và việc tiêu thụ chất béo chuyển hóa nên được giới hạn dưới 1% tổng năng lượng.

Ăn nhiều rau và trái cây

Ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau và trái cây là những nguồn thực phẩm quan trọng cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất, protein thực vật và chất chống oxy hóa. Chất xơ góp phần hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tăng cường cảm giác no, ngăn ngừa tình trạng ăn quá nhiều. Trước khi ăn rau và trái cây, mọi người cần rửa kỹ bằng nước sạch, đặc biệt là khi ăn sống

Uống đủ nước mỗi ngày

Mỗi người nên uống 2 lít nước mỗi ngày nhằm đáp ứng nhu cầu hydrat hóa mặc dù lượng nước cần thiết cho cơ thể là khác nhau và tùy theo khí hậu, mức độ hoạt động cũng như chế độ ăn uống (lượng nước trong thời kỳ mang thai, cho con bú… có thể cần tăng lên). Mọi người nên uống nước sôi để nguội (nước lọc) thay vì sử dụng nước uống có đường để tránh tiêu thụ nhiều đường, calo dư thừa gây thừa cân, béo phí.

Bên cạnh đó, mỗi người nên hạn chế uống rượu, đặc biệt trong thời gian nhiễm virus, không nên sử dụng rượu. Các đồ uống có cồn gây tổn hại cho sức khỏe, dễ dẫn đến các chứng rối loạn, nhiễm độc. Đồng thời, uống nhiều rượu, bia còn có thể dẫn tới suy dinh dưỡng khiến gan bị tổn thương và suy giảm chức năng gan. Rượu còn có thể làm giảm khả năng phán đoán và hành vi, dẫn tới cản trở khả năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để chống lại sự lây nhiễm coronavirus như: lệnh giãn cách, vệ sinh tay trước khi ăn uống…

Các chuyên gia cho biết, không có bằng chứng chứng minh uống rượu bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Do đó, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát và các biện pháp cách ly được thực thi, mọi người nên tránh sử dụng rượu như một cách để đối phó với nỗi sợ hãi, lo lắng, buồn chán và cô lập xã hội.





[Caption]. Ảnh: B-wom

Nước cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể. Ảnh: B-wom

Đại dịch Covid-19 là dịp các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau, củng cố mối quan hệ qua những bữa cơm gia đình. Theo đó, cha mẹ nên làm gương cho con trong việc ăn uống lành mạnh; không nên ăn vặt liên tục giữa các bữa ăn, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn, giàu năng lượng.

Việc thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh để duy trì sức khỏe luôn quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn. Chế độ “ăn uống khỏe” hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể, chống nhiễm trùng; suy dinh dưỡng; thiếu chất, vitamin và khoáng chất; thừa cân và béo phì.

Ý Linh (Theo WHO)

Trả lời