Chỉ nên ăn cháo khi bị rối loạn tiêu hóa? Leave a comment

Nếu các món khác ngoài cháo không gây đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy… khiến rối loạn tiêu hóa nặng thì nên ăn đa dạng, để tránh ngán, giúp nhanh khỏi bệnh.

Bé nhà em 2,5 tuổi, bị rối loạn tiêu hóa với biểu hiện sốt cao, nôn ói suốt đêm, phải đi cấp cứu ở bệnh viện do tình trạng nặng. Sau khi được bác sĩ chăm sóc, điều trị, bệnh dần cải thiện hơn nhưng bé không chịu ăn, hay ói, đi ngoài phân lỏng gần cả hai tuần. Em cho ăn cháo thì con hợp tác một xíu (nhưng chưa đến 1/4 chén) còn các món khác thì không chịu đụng tới. Lúc bé chưa bị bệnh thì cũng ăn được hơn 1/2 chén cháo, cơm, bún, phở…

Đến bệnh viện mùa này mới thấy rối loạn tiêu vào cao điểm, có rất nhiều bé bị rối loạn tiêu hóa giống con em. Em thấy các mẹ cũng đều cho con ăn cháo suốt. Bác sĩ cho em hỏi là khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa tốt nhất là cho ăn cháo thôi phải không? Em lo cho bé ăn các món ăn khác thì bị đau bụng, ói, tiêu chảy, phải đi nhập viện nữa. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em. (Hạ Anh, 32 tuổi, ngụ tại Rạch Giá, Kiên Giang)

Trả lời:

Không có mặc định là rối loạn tiêu hóa chỉ nên ăn cháo mà không được ăn các món ăn khác. Cháo, súp thường được chọn khi rối loạn tiêu hóa là do chúng dễ ăn, dễ tiêu, giúp cho hệ tiêu hóa tránh bị “quá tải”. Nếu con bạn chỉ chịu ăn cháo vào giai đoạn này thì bạn nên nấu cháo sao cho bổ dưỡng hơn, cung cấp thêm các thành phần chất đạm, chất xơ…, tránh chỉ ăn mỗi loại cháo trắng.

Bạn có thể nấu nhừ các loại rau củ quả, cho thịt xay vào trong cháo, thường xuyên đổi khẩu vị như cháo thịt băm, cháo cà rốt thịt nạc, cháo bí đỏ… Người lớn cũng vậy, khi bị rối loạn tiêu hóa cũng không chỉ ăn mỗi cháo mà nên cố gắng dùng thêm các món khác nhau. Ăn uống đầy đủ các chất thì cơ thể mới mau chóng hồi phục, nhanh chóng khỏi bệnh.





Cháo giúp dễ tiêu, có lợi cho người bị rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock

Cháo giúp dễ tiêu, có lợi cho người bị rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock

Trẻ có thể ăn cháo nhưng chưa được nhiều, bạn cũng không nên quá lo lắng. Khi cơ thể không khỏe, bé ăn ít là điều rất hiểu nhiên, ngay cả người lớn cũng vậy. Nếu con ăn ít thì phụ huynh có thể bổ sung các loại thực phẩm qua đường uống như sữa, yến… Nếu dùng các thực phẩm dinh dưỡng y học thì bạn có thể xin thêm tư vấn từ bác sĩ. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý là chẳng thể cho con ăn mãi món cháo vì trẻ có thể ngán và lượng ăn ngày càng ít dần. Ăn ngày này qua ngày có thể không cung cấp đủ dinh dưỡng cho quá trình phát triển, hồi phục bệnh của trẻ.

Khi tình trạng rối loạn tiêu hóa dần cải thiện, bạn nên dần thay thế cháo bằng các thức ăn khác theo nguyên tắc từ lỏng đến đặc dần. Nếu lo lắng tiêu chảy, đau bụng, nôn, đi ngoài sau khi ăn như trường hợp của con bạn thì nên cho bé ăn từng chút một, chia thành các bữa nhỏ hơn. Món ăn nào mà bụng của bé “chịu” có thể tăng dần dần số lượng lên sau đó. Bên cạnh chú trọng bữa ăn dinh dưỡng, bạn cũng cho con uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bé nhà bạn đã bị rối loạn gần cả hai tuần nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều thì nên tái khám sớm. Chúc bé ăn uống ngon miệng hơn và mau chóng khỏi bệnh.

ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Bích
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trả lời

1.4177