Chóng mặt do hạ đường huyết, huyết áp sau ăn Leave a comment

Hạ đường huyết phản ứng, huyết áp thấp, mất cân bằng giữa insulin và carbohydrate… thường dẫn đến chóng mặt sau khi ăn.

Chóng mặt thường là một trong những dấu hiệu thể chất đầu tiên xảy ra khi bạn nhịn đói quá lâu. Nhưng khi bạn đã ăn no hoặc vừa ăn xong lại có cảm giác chóng mặt có thể do hạ đường huyết. Tình trạng này còn xảy ra khi huyết áp giảm do đứng dậy quá đột ngột, dùng thuốc điều trị tiểu đường. Dưới đây là những nguyên nhân thường gây ra chóng mặt sau khi ăn, theo Very Well Health.

Lượng đường trong máu thấp: thông thường, lượng đường trong máu tăng sau bữa ăn. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu thấp trong khoảng từ 2-5 giờ sau ăn là tình trạng hạ đường huyết phản ứng. Đây là một loại hạ đường huyết xảy ra không do bệnh tiểu đường. Hạ đường huyết sau ăn thường gây ra chóng mặt, mệt mỏi. Nguyên nhân do tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa chất bột đường (carbohydrate). Người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường dễ bị hạ đường huyết phản ứng do sản xuất insulin gặp khó khăn, không đáp ứng đúng nhu cầu cơ thể cần.

Thuốc điều trị bệnh tiểu đường: Người mắc tiểu đường đang dùng các loại thuốc tiểu đường hoặc dùng insulin nhưng ăn không đủ carbohydrate tiêu chuẩn có thể bị chóng mặt. Tiêm quá nhiều insulin hoặc tiêm trực tiếp vào cơ cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết và chóng mặt sau khi ăn.

Huyết áp thấp: hạ huyết áp sau ăn ảnh hưởng đến nhiều người lớn tuổi. Huyết áp thấp làm cứng các động mạch, khiến việc co và thư giãn động mạch khi cần thiết gặp khó khăn. Tình trạng này xảy ra khi ruột và dạ dày cần thêm máu để tiêu hóa, khiến lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể bị giảm. Việc giảm đột ngột này dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu, đau ngực, mờ mắt và buồn nôn.





Chóng mặt sau khi ăn có thể do hạ đường huyết phản ứng. Ảnh: Freepik

Chóng mặt sau khi ăn có thể do hạ đường huyết phản ứng. Ảnh: Freepik

Nhạy cảm với thực phẩm: tiếp xúc với thực phẩm dị ứng có khả năng gây ra chóng mặt hoặc ngất xỉu trong vài phút hoặc 1-2 giờ sau khi ăn. Không dung nạp thức ăn cũng có thể khiến bạn choáng, xây xẩm.

Bạn cần biết rõ nguyên nhân để giải quyết tình trạng này. Nếu chóng mặt do hạ đường huyết, bạn cần điều chỉnh bằng cách bổ sung từ 15-20g carbohydrate, tương đương với 1/2 cốc nước ép trái cây hoặc 6-7 viên kẹo. Nếu chóng mặt sau ăn do hạ huyết áp thì tạm thời chưa có cách điều trị dứt điểm. Tuy nhiên bạn có thể giảm bớt triệu chứng bằng cách nằm nghỉ. Trường hợp dị ứng thực phẩm gây chóng mặt, bạn nên liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn dùng các thuốc chống dị ứng hoặc biện pháp điều trị phù hợp.

Khi cơn chóng mặt kéo dài và đi kèm với các triệu chứng tức ngực, nói lắp, mệt mỏi, ngất xỉu và đau đầu dữ dội, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và có biện pháp khắc phục sớm.

Theo Very Well Health, để giảm và phòng ngừa chóng mặt sau ăn, bạn có thể thử một số cách như uống đủ nước trước và trong bữa ăn, hạn chế hoặc tránh caffeine, rượu, chia các bữa ăn thành bữa nhỏ và cách nhau sau 3 giờ. Bữa ăn cầnđầy đủ các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo và chất bột đường chất lượng cao. Người bệnh tiểu đường nên theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu sau mỗi bữa ăn để có biện pháp điều chỉnh, tránh ăn các loại carbohydrate tinh chế chẳng hạn như bánh mì trắng, gạo và đồ uống có đường…

Anh Chi
(Theo Very Well Health)

Trả lời