Chữa tay chân miệng cho con mà không phải đi viện Leave a comment

Trẻ bệnh tay chân miệng sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, chơi, bác sĩ cho điều trị ngoại trú và kê toa thuốc.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hiện tiếp nhận khoảng 80-120 trẻ đến khám mỗi ngày do bệnh tay chân miệng, tăng gấp đôi so với đầu tháng. Đa số trẻ bệnh nhẹ, có thể về theo dõi tại nhà, khoảng 10-15 ca nặng phải nhập viện.

Trẻ bệnh thường sốt, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày. Nếu bị loét miệng hay bỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, bé sẽ đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Ngoài ra, dấu hiệu đặc trưng bệnh tay chân miệng là phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Những ban này tồn tại trong thời gian ngắn, dưới 7 ngày, sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. Hầu hết trẻ hồi phục hoàn toàn sau 8-10 ngày, một số trường hợp biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn… có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Để chữa bệnh và chăm sóc trẻ tại nhà, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM), khuyên phụ huynh tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Bé sốt trên 38 độ C, hạ nhiệt bằng uống thuốc paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần uống, lặp lại mỗi 4-6 giờ nếu tái sốt. Trường hợp trẻ bị đau họng miệng do vết loét, uống thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch như phosphalugel hoặc varogel, trimafort… mỗi lần ngậm nuốt 1-2 ml để dịu cơn đau rồi mới cho ăn.

Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh món chua, cay… Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Trẻ bị tay chân miệng phải cách ly với trẻ khác để tránh lây nhiễm, nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu mắc bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

Theo bác sĩ Tiến, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa qua nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Trẻ tuổi mẫu giáo dễ mắc bệnh này do thói quen cho tay vào miệng.





Bệnh tay chân miệng thường biểu hiện với các bóng nước xung quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay, bàn chân... Ảnh: Quỳnh Trần

Bệnh tay chân miệng thường biểu hiện với các bóng nước xung quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay, bàn chân… Ảnh: Quỳnh Trần

Đặc biệt, phụ huynh theo dõi sát sức khỏe của con, kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng như sốt cao hơn, thở bất thường, quấy khóc liên tục; khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà; giật mình, hốt hoảng, chới với hoặc ngồi không vững, đi loạng choạng; run tay, chân hoặc co giật, vã mồ hôi. Trẻ nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú; yếu tay chân, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái… cũng là dấu hiệu nặng phải đưa vào viện ngay.

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh vệ sinh cá nhân và vệ sinh đồ dùng, nhà cửa để phòng lây nhiễm bệnh.

Bệnh tay chân miệng đang vào mùa tại TP HCM. 5 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận gần 3.700 ca tay chân miệng, trong đó 96% trẻ tuổi 1-5, tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Tuần qua, số ca mắc tăng hơn 81% so với trung bình 4 tuần trước.

Lê Phương

Trả lời