Chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm đường huyết Leave a comment

Nhịn ăn từ 8-12 giờ trước khi xét nghiệm, mặc quần áo thoáng, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để quá trình xét nghiệm đường huyết diễn ra thuận lợi.

Xét nghiệm đường huyết lúc đói (FPG) được sử dụng để tầm soát bệnh tiểu đường, đây là một xét nghiệm tương đối đơn giản, chính xác và chi phí thấp, giúp quản lý các vấn đề về hoạt động của insulin. Xét nghiệm đường huyết được khuyến nghị cho những người có yếu tố nguy cơ và mỗi người nên xét nghiệm 3 năm một lần.

Nhịn ăn kéo dài kích hoạt một loại hormone gọi là glucagon, glucagon được sản xuất bởi tuyến tụy và khiến gan giải phóng glucose (đường huyết) vào máu. Khi nhịn đói kéo dài, nếu bạn không mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn sẽ phản ứng bằng cách sản xuất insulin, giúp ngăn ngừa tăng đường huyết. Còn khi cơ thể không thể tạo đủ insulin hoặc không thể đáp ứng insulin một cách thích hợp, lượng đường trong máu lúc đói sẽ ở mức cao, đồng nghĩa bạn đang có vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường.

Trong chẩn đoán bệnh tiểu đường, xét nghiệm FPG có thể được thực hiện một mình hoặc cùng với các xét nghiệm khác như thử nghiệm dung nạp glucose ngẫu nhiên, thử nghiệm dung nạp glucose qua đường miệng (OGTT) , đo mức đường huyết sau khi uống đồ uống có nhiều đường sau một thời gian nhịn ăn…

Để có kết quả việc xét nghiệm đường huyết thuận lợi và cho kết quả chuẩn xác nhất, người đi xét nghiệm cần lưu ý những vấn đề sau.





Xét nghiệm đường huyết tầm soát bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik

Xét nghiệm đường huyết tầm soát bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik

Trước kỳ kiểm tra

Thời gian: Xét nghiệm đường huyết FPG yêu cầu người xét nghiệm phải ở nhịn ăn trong ít nhất 8 giờ, vì vậy lịch xét nghiệm nên lên sớm hơn một ngày.

Địa điểm: xác định địa điểm mà bạn sắp làm xét nghiệm để việc di chuyển thuận lợi, đúng giờ.

Trang phục: khi đi xét nghiệm nên mặc áo ngắn để việc lấy máu dễ dàng. Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái phù hợp với việc thăm khám cũng như di chuyển.

Đồ ăn thức uống: đây là một xét nghiệm nhịn ăn, có nghĩa là không ăn hoặc uống trong vòng 8 đến 12 giờ trước khi xét nghiệm. Các chuyên gia khuyến cáo nên nhịn ăn qua đêm, thi thoảng uống một ngụm nước nhỏ, lưu ý không uống một ly đầy, uống quá nhiều nước.

Vật dụng mang theo: mang theo thẻ bảo hiểm, giấy tờ tùy thân và các giấy tờ mà bác sĩ yêu cầu, tránh để việc tìm giấy tờ làm gián đoạn quá trình làm xét nghiệm.

Một số người cảm thấy buồn nôn sau khi lấy máu do nhịn ăn một thời gian khá dài. Vì vậy tốt nhất nên mang theo đồ ăn nhẹ để ăn sau khi kết thúc bài kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra

Người đi làm xét nghiệm nên lên tiếng về các tiền sử ngất xỉu hoặc dị ứng mà bản thân đã gặp phải trước đó để kỹ thuật viên lưu ý. Giữ tinh thần thoải mái khi được lấy máu. Cố gắng không bắt chéo chân hoặc gồng người vì căng thẳng có thể làm tăng lượng đường trong cơ thể và cũng gây khó khăn cho việc lấy máu.

Sau khi xét nghiệm

Sau khi lấy máu người bệnh có thể tự do rời đi và chờ kết quả, nếu cảm thấy chóng mặt, bạn nên ngồi trong phòng chờ vài phút. Đây sẽ là lúc ăn nhẹ để bổ sung lượng đường trong máu thấp do nhịn ăn. Đợi kết quả và tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Anh Chi (Theo VeryWellHealth)

Trả lời