Chuyên gia hướng dẫn vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách Leave a comment

Rửa mũi đúng cách cho trẻ giúp loại trừ dịch nhầy và rỉ mũi bít tắc đường thở khi bé mắc sổ mũi, viêm mũi.

Hiện, miền Bắc là mùa hè, thay đổi thời tiết, mưa giông, nắng gắt thất thường khiến trẻ nhỏ dễ mắc cách bệnh cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi họng, dẫn đến sổ mũi, nghẹt mũi… Đường thở bị tắc nghẽn trẻ thở khò khè, mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn, ngủ kém, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, còn có nguy cơ nhiễm virus. Những virus về hô hấp thường gặp là virus hợp bào hô hấp (RSV), adenovirus… gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới theo mùa, đặc biệt ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Bệnh có thể không có triệu chứng, nhẹ hoặc nặng, bao gồm viêm tiểu phế quản và viêm phổi.

Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý là một phương pháp hiệu quả thường được bố mẹ áp dụng để tránh tình trạng dịch nhầy, rỉ mũi bít tắc đường thở của bé khi bé mắc sổ mũi, viêm mũi… Rửa mũi đúng cách cũng ngăn chặn, loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập qua đường thở xuống họng, vào tai, ngừa các bệnh lây lan qua đường hô hấp cho trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, thông tin tràn lan trên mạng nên nhiều mẹ hơi bị lạm dụng rửa mũi, thao tác rửa mũi cho trẻ không đúng cách. Dùng xilanh xịt rửa mũi cho trẻ là “bí kíp” truyền tai được nhiều mẹ áp dụng mỗi khi trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi… Nhưng nếu vệ sinh không đúng kỹ thuật sẽ không làm thông thoáng đường thở, nguy hại đến tính mạng con trẻ.

Theo PGS.TS.BS Quỳnh Hương – Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội, có mẹ thấy con hơi khụt khịt, thậm chí mũi con bình thường cũng đem con ra rửa mũi. Các mẹ quan niệm rửa mũi là vệ sinh mũi, phòng bệnh cho con nên càng tích cực rửa. Nhưng khi mẹ rửa không đúng kỹ thuật thì vô tình ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con. Chẳng hạn như dùng áp lực quá mạnh sẽ dẫn tới trào ngược, gây viêm tai.

Chuyên gia hướng dẫn cách vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách

Theo bác sĩ Quỳnh Hương, nếu rửa mũi cho con đúng kỹ thuật sẽ giúp trẻ sạch đường thở, tránh sặc, tránh gây sợ hãi, tránh viêm họng, tổn thương niêm mạc mũi, hoặc nhiễm trùng nặng, trào ngược gây viêm tai giữa. Trước khi rửa mũi cho trẻ, phụ huynh cần rửa tay sạch với xà bông hoặc khử trùng với cồn, sau đó lau khô. Dụng cụ vệ sinh mũi cho bé bao gồm nước muối sinh lý, dụng cụ hút mũi, khăn bông. Khi rửa mũi cho bé, phụ huynh nên đặt trẻ nằm nghiêng trên gối có độ cao vừa phải để thuận tiện cho việc hút mũi. Người lớn cần nhỏ 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi bé để tạo độ ẩm, giúp làm lỏng các chất nhầy để hút mũi dễ dàng. Sau đó, phụ huynh sử dụng dụng cụ hút mũi để lấy chất nhầy, lau khô xung quanh mũi cho bé bằng khăn bông mềm sau khi đã hút mũi xong.

Bác sĩ Quỳnh Hương lưu ý, nếu trẻ bình thường thì không nên rửa mũi, còn bé hơi khụt khịt thì có thể sử dụng nước muối hoặc xịt nước muối biển. Với trẻ sơ sinh, cách làm thông mũi tốt nhất tránh tổn thương mũi là dùng khăn giấy sạch xếp nhỏ lại thành cái bấc sâu kèn rồi đưa vào mũi để giấy thấm nước mũi thì lấy ra, làm đến khi nào thấy khô thì thôi. Trước đó, có thể xịt mũi với nước muối rồi để khoảng 30 phút cho nước mũi loãng ra thì sẽ dễ làm thông mũi bằng bấc sâu kèn hơn. Trong trường hợp em bé nhỏ, hơi nhiều nước mũi, phụ huynh mua ống hút mũi để hút nhẹ nhàng. Phụ huynh không hút mũi quá 2 lần một ngày cho bé, tránh ảnh hưởng đến niêm mạc.

Với video hướng dẫn bơm xi lanh, người ta vỗ rửa thì y khoa gọi là vỗ rung theo liệu pháp hô hấp. Phương pháp này chỉ định cho em bé bị viêm tiểu phế quản hoặc có biểu hiện hơi bít tắc, và phải do kỹ thuật viên thực hiện.

Theo PGS.TS.BS Quỳnh Hương, việc có rửa mũi hay không với tần suất bao nhiêu, kỹ thuật đúng hay chưa thì mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngã ba hầu họng nếu cho nước vào thì một là nước chui xuống họng, hai là chui từ mũi này qua mũi kia, ba là nếu cấu trúc giải phẫu không thuận tiện thì nước sẽ ra tai, do đó nếu không rửa mũi đúng cách thì “lợi bất cập hại”.

Bác sĩ Quỳnh Hương thông tin thêm, thực tế có những trường hợp bé bị chức năng loa vòi kém, tức là ở mũi có một đường hầm thông từ mũi sang tai, nếu đường hầm ấy bị ngắn, nằm ngang thì nước mũi rất dễ chảy vào tai. Vì vậy, đối với các bé bị viêm tai giữa thì việc rửa mũi phải cẩn thận, tốt nhất mẹ không nên tự rửa vì nguy hiểm. Những bé chức năng loa vòi tốt, đường hầm dài, vếch, nước sẽ không chảy vào tai nên việc rửa mũi sẽ dễ dàng hơn. Mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám, hướng dẫn cách rửa mũi đúng”.

Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có dịch vụ là hướng dẫn rửa mũi mẫu để cho phụ huynh xem để có thể tự chăm sóc con tại nhà. Khi cần sử dụng kỹ thuật vỗ rung, các kỹ thuật viên về phục hồi chức năng hô hấp làm đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho bé.

Tuệ Diễm

Trả lời