Chuyên gia khuyến nghị Trung Quốc tăng tỷ lệ tiêm chủng Leave a comment

Mô hình dự đoán mới cho thấy nếu không đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi, Trung Quốc có thể ghi nhận thêm ca tử vong vì Covid.

Nghiên cứu do Đại học Fudan Thượng Hải phối hợp với Đại học Indiana Mỹ thực hiện, cho thấy Trung Quốc có thể ghi nhận 1,5 triệu ca tử vong trong làn sóng Omicron nếu từ bỏ các biện pháp chống dịch như hiện nay.

Công trình được Viện Y tế Quốc gia Mỹ bình duyệt, xuất bản trên tạp chí Nature Medicine ngày 10/5, dự đoán đợt bùng phát Omicron nhỏ lẻ với 20 ca nhiễm vào tháng 3 có thể biến thành “cơn sóng thần Covid-19” kể từ tháng 5 đến tháng 7.

Làn sóng này đủ khả năng gây ra khoảng 112 triệu ca nhiễm có triệu chứng, tương đương với 80 ca trên mỗi 1.000 dân, theo ước tính của chuyên gia. Trong đó, 2,7 triệu bệnh nhân có thể phải điều trị trong khu hồi sức tích cực (ICU), khoảng 1,5 triệu người chết.

Người trên 60 tuổi, chưa tiêm vaccine sẽ chiếm 74% số ca tử vong, vì đến nay, chỉ 52 triệu người ở độ tuổi này đã tiêm đủ hai liều.

“Trung Quốc có tỷ lệ phủ vaccine là hơn 90%, đã tiêm liều tăng cường cho 40% dân số kể từ tháng 3, nhưng nếu đợt bùng phát Omicron không suy yếu, hệ thống y tế sẽ bị quá tải, ICU thiếu hụt đáng kể”, nghiên cứu nêu rõ.

Hiện Trung Quốc đã phê duyệt thuốc kháng virus Paxlovid. Ở kịch bản khả quan nhất, nếu quốc gia điều trị cho tất cả ca nhiễm bằng loại thuốc này, số trường hợp tử vong sẽ giảm xuống gần 89%.





Nhân viên mặc đồ bảo hộ trên đường phố quận Triều Dương, Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 9/5. Ảnh: Reuters.

Nhân viên mặc đồ bảo hộ trên đường phố quận Triều Dương, Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 9/5. Ảnh: Reuters.

Nghiên cứu cũng khuyến cáo Trung Quốc tăng tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi lên 97%, điều trị cho khoảng một nửa số ca nhiễm có triệu chứng bằng thuốc kháng virus. Với chiến lược đó, ở đỉnh dịch, khu ICU của các bệnh viện sẽ không bị quá tải, số ca tử vong vì Covid-19 cũng được giữ ở mức 88.000, bằng với số người chết do bệnh cúm mùa hàng năm.

“Chìa khóa để kiểm soát dịch về lâu dài là cải thiện thông khí, nâng cao năng lực chăm sóc chuyên sâu, phát triển loại vaccine mới tạo miễn dịch bền vững hơn”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Trung Quốc đang ở trong giai đoạn dịch bùng phát nghiêm trọng nhất kể từ năm 2019 đến nay. Phần lớn ca nhiễm tập trung tại Thượng Hải. Các chuyên gia ước tính nước này sẽ cần tới khoảng một triệu giường ICU, gấp 16 lần so với 64.000 giường hiện tại vào đỉnh dịch. Tình trạng thiếu giường có thể kéo dài 44 ngày.

Trước đó, một số chuyên gia y tế tại Thượng Hải cho biết nỗ lực dập dịch của thành phố đã đem lại những kết quả tích cực. Số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm xuống dưới 5.000 kể từ đầu tháng 5, thấp hơn so với mức đỉnh là 27.700 ca hồi giữa tháng 4.

Thục Linh (Theo SCMP)

Trả lời

2.4440