Chuyên gia Trung Quốc nói ‘Không Covid giúp tránh thảm họa y tế’ Leave a comment

Chuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc cho biết chiến lược “Không Covid” là lựa chọn hàng đầu hiện tại, giúp nước này tránh khỏi thảm họa y tế.

Theo các quan chức hàng đầu về chiến lược Covid-19 của Trung Quốc, nước này phải kiên quyết áp dụng chính sách “Không Covid” hoặc sẽ chịu rủi ro thảm họa y tế vì tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi thấp và tình trạng thiếu nguồn lực y tế.

Chính sách này giống như “bảo hiểm cho 1,4 tỷ người” trước những nguy cơ sức khỏe từ Omicron, Liang Wannian, Trưởng nhóm chuyên gia phản ứng Covid-19 của Trung Quốc, phát biểu trước hội đồng truyền thông ở Bắc Kinh ngày 22/4.

Liang cho biết chính sách “Không Covid” là hướng dẫn chung, các biện pháp cụ thể có thể được sửa đổi theo thời gian. Tuy nhiên, cốt lõi của chiến lược này là nhanh chóng phát hiện ra các ổ dịch và thực hiện hàng loạt các biện pháp để cắt giảm sự lây nhiễm, ngăn chặn ca bệnh trong cộng đồng.

“Điều quan trọng là nhận biết và kiểm soát hiệu quả nguồn lây, cắt đứt đường truyền virus và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, để dịch bệnh không bùng phát trở lại trên diện rộng”, ông nói.

Nhưng ông cũng thừa nhận cần phải cân bằng giữa việc ngăn chặn đại dịch và đảm bảo cuộc sống của công chúng, bao gồm việc đáp ứng những nhu cầu y tế.

Liang nhận định cần có cơ chế khẩn cấp và các kênh thích hợp để cung cấp nhu yếu phẩm, dự trữ các mặt hàng y tế, gồm khẩu trang và máy thở, để phòng chống đại dịch. Các công cụ dập dịch khác là xét nghiệm PCR, đảm bảo hoạt động của các trung tâm y tế và phương tiện vận chuyển.





Người dân Bắc Kinh xếp hàng chuẩn bị xét nghiệm Covid-19, tháng 4/2022. Ảnh: Reuters

Người dân Bắc Kinh xếp hàng chuẩn bị xét nghiệm Covid-19, tháng 4/2022. Ảnh: Reuters

Trong nhiều tuần Thượng Hải phong tỏa, một số người phàn nàn về vấn đề thiếu lương thực, công tác quản lý kém và những bất cập do tình trạng hạn chế gây ra. Nhiều người báo cáo về các bệnh nhân tử vong sau khi bị từ chối chăm sóc y tế kịp thời.

Liang nhấn mạnh dù phần lớn người nhiễm Omicron chỉ có triệu chứng nhẹ, Trung Quốc vẫn gặp “thảm họa lớn” nếu nới các biện pháp hạn chế. Tính đến tuần trước, khoảng 81% người cao tuổi đã tiêm phòng đầy đủ.

“Một khi chúng ta nới giãn cách, virus sẽ lây lan, khiến nhiều người cao tuổi chuyển nặng và tử vong hơn”, ông nói. “Số ca bệnh lớn sẽ gây tổn hại nặng nề đến hệ thống y tế. Nếu nhân viên y tế nhiễm bệnh, họ không thể cung cấp các dịch vụ cần thiết. Đây là một vòng luẩn quẩn”.

Trước đây, Liang và các quan chức y tế khác nhiều lần nhấn mạnh Trung Quốc sẽ chỉ xem xét điều chỉnh phản ứng chống dịch sau khi tình hình chung cả trong và ngoài nước thay đổi. Những yếu tố liên quan là công cụ hiệu quả hơn chống lại virus, Covid-19 giảm nhiệt, nCoV ít nguy hiểm hơn, dịch bệnh tại nước ngoài bớt nghiêm trọng.

Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 24/4 nhắc lại bình luận của Liang, cho biết chính sách “Không Covid” năng động có rủi ro thấp nhất, là lựa chọn tốt nhất đối với Trung Quốc hiện tại.

“Trước mắt, các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của người dân. Nhưng về lâu dài, nó sẽ đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững”, ông Liang nói.

Thục Linh (Theo SCMP)

Trả lời