Có bị lệch chân sau thay khớp hay không?

Kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối hiện đại và những thiết bị thế hệ mới có thể giúp tránh biến chứng so le hai chân sau khi phẫu thuật.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa I Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, lệch chân (so le) sau khi thay khớp là một trong những vấn đề thường gặp, xuất hiện chủ yếu ở chân được phẫu thuật. Tình trạng này xảy ra ở bệnh nhân thay khớp háng nhiều hơn thay khớp gối. Hầu hết các trường hợp lệch chân sau phẫu thuật không rõ rệt, người bệnh khó nhận biết hoặc ít ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nên không cần phải can thiệp.

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia của Bệnh viện Đại học North Durham, Anh, tỷ lệ chân bị lệch do dài ra sau thay khớp háng được báo cáo là 1-27%, trung bình từ 3-17 mm. Chân bị lệch do ngắn lại sau phẫu thuật hiếm gặp hơn.





Bác sĩ Đặng Khoa Học trong một ca phẫu thuật thay khớp háng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Đặng Khoa Học trong một ca phẫu thuật thay khớp háng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Giải thích về tình trạng này, bác sĩ Khoa Học cho biết, phẫu thuật thay khớp háng áp dụng phương pháp mổ mở. Những cấu trúc hư hại như chỏm xương đùi, sụn khớp được loại bỏ. Một chiếc ổ cối kèm với lồi cầu bằng chất liệu kim loại được đặt vào khớp. Để dự phòng nguy cơ trật khớp, bác sĩ có thể điều chỉnh kích thước lồi cầu và ổ cối bằng cách đặt các mô cấy lớn hơn, dài hơn vào xương. Đó là nguyên nhân khiến cho chân ở phía có khớp được phẫu thuật dễ bị dài hơn so với chân lành.

Nếu tình trạng lệch chân không đáng kể, không ảnh hưởng đến việc di chuyển, người bệnh không cần phải can thiệp gì thêm. Một số trường hợp lệch chân rõ rệt, người bệnh có thể đặt giày dép theo kích thước phù hợp để thuận tiện hơn khi di chuyển. Tuy nhiên, một số chân có thể có biểu hiện bị lệch quá nhiều, hơn 2 cm. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức cơ, các dây thần kinh bị kéo căng gây tê mỏi, khó di chuyển, giảm chất lượng cuộc sống… Thậm chí, một số người bệnh cần phải phẫu thuật lại để cân đối chiều dài của hai chân.

Bác sĩ Khoa Học chia sẻ rằng, sự chênh lệch về chiều dài chân người bệnh sau thay khớp có thể được dự đoán hoặc xuất hiện bất ngờ. Trước đây, khi người bệnh bị lệch chân sau phẫu thuật, bác sĩ mới tiến hành can thiệp. Hiện nay, nguy cơ này hoàn toàn có thể được ngăn ngừa bằng kinh nghiệm của bác sĩ và hệ thống trang thiết bị hiện đại. Tại khoa Tái tạo khớp – Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, số liệu xương khớp và hình ảnh X- Quang, phần mềm đo lường trước mổ được sử dụng để lên kế hoạch phẫu thuật. Phần mềm này sẽ tính toán chính xác vị trí đặt khớp, kích thước và size của khớp nhân tạo, vị trí và độ nghiêng lát cắt xương… Toàn bộ thao tác tiến hành theo trình tự định sẵn, các lát cắt được căn chỉnh trước trên phần mềm giúp bác sĩ xác định chính xác điểm đặt khớp, thao tác nhanh chóng, hạn chế tổn thương các mô lân cận, giảm chảy máu, giúp người bệnh nhanh hồi phục.





Không lệch chân là kết quả sau thay khớp háng tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình . Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Không lệch chân là kết quả sau thay khớp háng tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình . Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Trước khi xử lý chân bị lệch sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh để đánh giá lại mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Bác sĩ sẽ xem xét và điều chỉnh kích thước của các mô cấy, loại bỏ xương bổ sung. Tuy nhiên, trường hợp phẫu thuật lại chỉ được thực hiện trên những bệnh nhân bị lệch chân nhiều, vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của lần phẫu thuật thay khớp trước đó.

Bất kỳ phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Phẫu thuật thay khớp cũng không ngoại lệ. Do đó, ngăn ngừa nguy cơ bị lệch chân sau phẫu thuật thay khớp, bác sĩ Khoa Học khuyến cáo người bệnh nên chọn các cơ sở y tế chuyên khoa, được trang bị trang thiết bị hiện đại. Trước khi phẫu thuật, người bệnh nên trao đổi chi tiết với bác sĩ về những nguy cơ có thể xảy ra và phương án dự phòng để giảm thiểu rủi ro sau phẫu thuật.

Hân Thái