Cô gái mắc nhiều dị tật hiếm gặp Leave a comment

TP HCMBị nhi hóa, cô gái 22 tuổi chỉ cao 135 cm, phải trải qua 16 cuộc mổ để khắc phục dị tật không có hậu môn, không âm đạo hiếm gặp.

Ngày 7/7, bác sĩ Bùi Văn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết cô gái nhập viện trong tình trạng bụng to, đau nhiều, chẩn đoạn sỏi niệu quản, lạc nội mạc buồng trứng, ứ dịch tai vòi trứng và lòng tử cung, thận ứ nước.

Theo bác sĩ Hoàng, đây là ca bệnh đặc biệt, do ngay khi chào đời, bệnh nhân bị dị dạng tồn tại ổ nhớp – không có hậu môn, không có âm đạo và tử cung đôi.

Dị dạng tồn tại ổ nhớp xảy ra ở bé gái, đặc trưng bởi sự hợp lưu của niệu đạo, âm đạo và hậu môn cùng đổ vào một kênh chung ở vùng đáy chậu. Tỷ lệ dị tật này trong y văn rất thấp, khoảng 1/50.000 người. Một nghiên cứu dịch tễ học trên 4 triệu ca sinh ở Anh ghi nhận tỷ lệ mắc là 2,8/100.000.

Từ nhỏ, người bệnh đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 phẫu thuật để mở hậu môn tạm thời. Đến tuổi dậy thì, cô gái có kinh nguyệt, nhưng máu kinh không thoát ra ngoài do không có âm đạo. Lâu dần, lượng máu kinh ứ lại ở vùng hạ vị (bụng dưới rốn) hình thành khối u dạng nang rất to, chèn ép vào bàng quang khiến cô bí tiểu.

Để giải phóng lượng máu bị ứ, ê kíp bác sĩ Việt Nam và Pháp đã mở một đường dò thông trực tiếp từ buồng tử cung ra thành bụng trước. Tuy nhiên, hiệu quả của đường thông nhân tạo kém, tình trạng ứ máu kinh không được giải quyết triệt để. Sau đó, bệnh nhân vẫn phải phẫu thuật nhiều lần.

Bệnh viện Từ Dũ phối hợp với Khoa Thận niệu của Nhi đồng 2 hội chẩn nhiều lần, bàn bạc các phương án, cuối cùng xác định tử cung đôi vừa bất thường về giải phẫu học, vừa bị nhi hóa (không phát triển), lại ứ dịch to vùng cổ tử cung, mất chức năng. Nếu giữ lại tử cung, cô gái cũng không thể sinh con, lại tăng nhiều nguy cơ biến chứng. Do đó, các chuyên gia quyết định cắt toàn bộ tử cung và phần phụ (gồm vòi trứng – vòi tử cung, buồng trứng và hệ thống dây chằng rộng), đóng đường mở thông máu kinh ra thành bụng trước đó.

Sau 4 giờ phẫu thuật, ê kíp lấy ra khối u to bằng quả bưởi, cùng 1,5 lít dịch trong ổ bụng.

Hậu phẫu, do thể trạng người bệnh yếu, cùng với hậu môn nhân tạo nằm sát vết mổ, hay chảy dịch vào vết mổ làm ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương. Nhân viên y tế phải theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sát sao. Hiện sau hơn một tháng phẫu thuật, cô gái đã hết đau bụng, hồi phục sức khỏe, tinh thần thoải mái hơn.





Các bác sĩ thực hiện cuộc mổ lần thứ 16 để khắc phục biến chứng dị tật bẩm sinh cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ thực hiện cuộc mổ lần thứ 16 để khắc phục biến chứng dị tật bẩm sinh cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thư Anh

Trả lời