Cơ hội mang thai ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung Leave a comment

Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung được khuyến khích mang thai tự nhiên trong 6 tháng, làm thụ tinh trong tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm hoặc phẫu thuật,…

Thống kê cho thấy khoảng 50% phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung gặp khó khăn trong việc mang thai. Bệnh gồm 4 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 được coi là thể nhẹ và giai đoạn 4 là nặng nhất. Trong đó, phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung ở giai đoạn 1 hoặc 2 có cơ hội mang thai nhiều hơn bệnh ở giai đoạn 3 hoặc 4. Tuy nhiên, bằng các biện pháp dưới đây, chị em đang gặp phải căn bệnh này vẫn có thể mang thai thành công:

Thử mang thai tự nhiên

Nếu được chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, hãy cố gắng thụ thai cách tự nhiên trước khi tìm đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều được các bác sĩ khuyên nên cố gắng mang thai tự nhiên trong vòng 6 tháng. Nếu sau khoảng thời gian này vẫn không thể mang thai thì cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị thích hợp.





Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung vẫn có thể mang thai Ảnh: Shutterstock

Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung vẫn có thể mang thai Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, với phụ nữ đã quá 35 tuổi, cần trao đổi với bác sĩ ngay, không cố gắng mang thai tự nhiên, vì ở độ tuổi này khả năng sinh sản tự nhiên đã bị suy giảm.

Thụ tinh trong tử cung

Thụ tinh trong tử cung (IUI) là phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung trong quá trình rụng trứng. Đây là phương pháp mang tới cơ hội mang thai thành công ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung giai đoạn 1 hoặc 2. Cùng với đó, các bác sĩ sản khoa có thể sử dụng thêm các thuốc hỗ trợ sinh sản bao gồm clomid (clomiphene) và gonadotropin. Nghiên cứu cho thấy, ở những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, kết hợp IUI với clomid hoặc gonadotropin sẽ tăng gấp ba lần khả năng thụ thai so với mang thai tự nhiên.

Thụ tinh trong ống nghiệm

Nếu IUI không mang tới hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). IVF đôi khi được chỉ định hỗ trợ thụ thai cho phụ nữ trên 35 tuổi bị lạc nội mạc tử cung hoặc người đang ở giai đoạn 3 hoặc 4 của bệnh. IVF được thực hiện bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp tạo thành phôi thai ở ngoài cơ thể. Phôi thai sau đó sẽ được chuyển lại vào buồng tử cung của người phụ nữ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công ở phụ nữ bị lạc nội tử cung là khoảng 22%, ít hơn so với các trường hợp làm IVF bị vô sinh do nguyên nhân khác.

Các phương pháp điều trị vô sinh liên quan đến lạc nội mạc tử cung có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào độ tuổi, giai đoạn bệnh, các yếu tố nguy cơ vô sinh, chi phí điều trị và sự lựa chọn của người bệnh. Nói chung, IUI được khuyến khích trước tiên vì ít tốn thời gian hơn, còn phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung nặng, lớn tuổi hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ vô sinh sẽ được khuyên bỏ qua hình thức bơm tinh trùng vào buồng tử cung và tiến hành IVF ngay.

Ở một số phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung gặp vấn đề về rụng trứng cũng có thể được sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản như Clomid để kích thích rụng trứng. Sau đó, bác sĩ sản khoa có thể đề nghị tiến hành IUI hay IVF tùy mỗi trường hợp cụ thể.

Phẫu thuật

Phẫu thuật lạc nội mạc tử cung hầu như được chỉ định để làm giảm cơn đau ở phụ nữ. Phương pháp này còn giúp tăng tỷ lệ có thai thành công đối với phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung nặng trong điều trị sinh sản. Trên thực tế, các cuộc phẫu thuật lặp đi lặp lại có thể gây ra sự kết dính khiến việc mang thai trở nên khó khăn hơn. Nếu không bị đau do bệnh lạc nội mạc tử cung thì phẫu thuật đôi khi không mang lại kết quả như mong đợi. Do vậy, cần cân nhắc những ưu và nhược điểm của hình thức này và tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.

Bảo Bảo (Theo Very Well Health)

Trả lời