Có lây bệnh truyền nhiễm khi đi nhà vệ sinh công cộng? Leave a comment

Bồn cầu là nơi trú ngụ của rất nhiều loại vi khuẩn, nhất là những nơi công cộng không được làm sạch, khử trùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.

Tuy nhiên, hầu hết bệnh truyền nhiễm đường tình dục như HIV, giang mai, lậu… đều lây truyền qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan sinh dục và các dịch tiết sinh dục như tinh dịch và dịch tiết âm đạo khi quan hệ. Chỉ khi vi khuẩn, virus truyền trực tiếp từ bệ toilet sang đường sinh dục hoặc qua vết thương hở hay trầy xước mới có thể gây bệnh. Do đó, việc tiếp xúc đơn thuần ngoài da tại các nhà vệ sinh công cộng không dẫn đến mắc các bệnh này.

Riêng bệnh sùi mào gà do virus HPV lại là một ngoại lệ. HPV chủ yếu lây truyền thông qua các tiếp xúc sinh hoạt tình dục. Song, có nhiều bằng chứng y học chứng minh virus HPV có thể lây truyền qua tiếp xúc da đơn thuần.

Virus HPV có thể tồn tại nhiều ngày ở các kẽ ngón tay, móng tay, hay các bề mặt tiếp xúc công cộng khác. Bệnh có thể lây qua tiếp xúc ví dụ qua da tay, chân, tay nắm cửa nhà vệ sinh. Như vậy, dù rất hiếm gặp, sùi mào gà có thể lây nhiễm qua đường tiếp xúc khi đi vệ sinh không rửa tay, qua bồn cầu, tay nắm cửa…

Trường hợp quan hệ tình dục bằng tay, miệng cũng tiềm ẩn nguy cơ lây truyền HPV. Thực tế, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp sùi mào gà ở thanh quản và cổ họng do lây truyền HPV khi quan hệ đường miệng không an toàn. Đặc biệt, virus HPV có thể lây cho người khác ngay cả khi người nhiễm virus này không có biểu hiện dấu hiệu hay triệu chứng gì.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, bạn nên giữ vệ sinh sạch sẽ, sau khi đi vệ sinh nên lau rửa tay và mang theo nước rửa tay kháng khuẩn. Khi đi vệ sinh, bạn có thể đặt giấy lên miệng bồn cầu hoặc lau bằng khăn kháng khuẩn trước khi dùng. Không nên lo lắng thái quá song không được chủ quan. Khi có vấn đề về sức khỏe, bạn nên đi khám sớm để được điều trị dứt điểm, tránh biến chứng lâu dài.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành

Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Trả lời