Có nên dùng nước oxy già để lấy ráy tai? Leave a comment

Tôi thường lấy ráy tai cho con trai bằng oxy già pha với nước. Cách này có an toàn không bác sĩ? (Thúy Nhi, 32 tuổi, TP HCM).

Trả lời:

Oxy già (hydrogen peroxide) là một trong các dung dịch dùng để rửa vết thương giúp sát khuẩn. Tuy nhiên, dung dịch này có thể gây khô da, trầy xước dẫn đến viêm tai. Tự lấy ráy tai bằng oxy già, ngoáy tai bằng tăm bông hay dụng cụ cứng có thể gây xước, rát tai và vô tình giết các tế bào mô khỏe mạnh trong tai. Ống tai bị thiếu độ ẩm cũng có thể giảm chức năng ngăn chặn bụi bẩn. Tai trẻ nhỏ còn mỏng và nhạy cảm, ba mẹ nên chọn dung dịch rửa tai và dụng cụ lấy ráy tai an toàn để không gây trầy xước tai con.





Oxy già không nên sử dụng để lấy ráy tai vì có thể gây tổn thương. Ảnh: Freepik

Oxy già không nên sử dụng để lấy ráy tai vì có thể gây tổn thương. Ảnh: Freepik

Phụ huynh có thể giúp lấy ráy tai và rửa tai cho con bằng một số cách đơn giản sau đây:

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, ba mẹ chỉ nên thấm ướt khăn mềm và lau ngoài tai cho trẻ sau khi tắm do tai trẻ rất mong manh và nhạy cảm. Đặt đầu trẻ nằm ngang khi tắm để tránh nước trôi vào ống tai con. Ba mẹ xoắn khăn tạo thành hình ốc dài rồi nhẹ nhàng vệ sinh ống tai con nếu thấy nhiều ráy tai. Tăm bông trẻ em cũng chỉ nên sử dụng ráy vùng ngoài tai trẻ để tránh đẩy sâu ráy tai vào trong tai. Đối với trẻ nhỏ từ 3 tuổi, người lớn có thể hỗ trợ con làm sạch tai sau khi ướt nước như sau khi bơi hoặc tắm.

Nếu con bị ù tai và có cảm giác tắc tai sau bơi, ba mẹ có thể dùng khăn giấy mềm hoặc bông gòn áp vào vành tai con, nghiêng tai bị ù sang một bên. Khi đó, nước đọng trong tai kia sẽ thấm vào khăn giấy và bông gòn trôi ra ngoài.

Theo tự nhiên, ráy tai thường tự rơi ra ngoài khi chúng ta nhai hoặc nói nên không cần vệ sinh thường xuyên. Ba mẹ có thể chọn nhỏ vài giọt các chế phẩm tan ráy tai có sẵn tại nhà nếu triệu chứng tai của con không quá nghiêm trọng. Khi trẻ cảm thấy khó chịu, ù tai hoặc đau tai, bạn nên đưa con đến khám bác sĩ Tai Mũi Họng để kiểm tra sức khỏe và chăm sóc tai cho trẻ bằng dụng cụ vô khuẩn.

Người lớn cũng nên đưa trẻ thăm khám tai định kỳ để bác sĩ kiểm tra và vệ sinh tai cho con. Nếu tai bé có dấu hiệu chảy mủ, có mùi hôi hay thường xuyên tiết dịch, ba mẹ nên đưa con kiểm tra tai sớm, phòng biến chứng nguy hiểm.

ThS.BSCKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Trả lời