Còn một quả thận sống được bao lâu? Leave a comment

Người không may chỉ có hoặc còn một quả thận hoàn toàn có thể sống khỏe và sống thọ như những người bình thường nếu biết cách chăm sóc và bảo vệ.

Hầu hết con người sinh ra sẽ có 2 quả thận, với kích thước bằng nắm tay và nằm ở dưới cùng của khung xương sườn, đối xứng ở hai bên cột sống. Tuy nhiên, theo Thầy thuốc ưu tú, BS CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, nhiều người chỉ còn một quả thận vì những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan dưới đây:

Do bẩm sinh: Có một số người sinh ra chỉ với một quả thận, tình trạng này được gọi là quá trình lão hóa thận. Song cũng có một số người thiểu sản thận, tức là một người sinh ra có 2 quả thận nhưng chỉ có 1 quả thận hoạt động. Những trường hợp này thường được phát hiện khi siêu âm, chụp X-quang hoặc phẫu thuật một bệnh không liên quan.

Do phải cắt bỏ: Một số người do buộc phải cắt bỏ 1 quả thận trong quá trình điều trị chấn thương hay do mắc bệnh lý như ung thư, nhiễm trùng mủ gần hết trái thận…

Do hiến thận: Vì lý do hiến tặng cho người cần thực hiện ghép thận nên rất nhiều người sống chỉ với 1 quả thận.





Hầu hết những người sống với một quả thận vẫn sống bình thường và ít có vấn đề đặc biệt xảy ra. Ảnh: Shutterstock

Hầu hết những người sống với một quả thận vẫn sống bình thường và ít có vấn đề đặc biệt xảy ra. Ảnh: Shutterstock

Còn một quả thận có sống được không?

Đây là câu hỏi lo lắng được nhiều người đặt ra, liệu khi còn một quả thận, cơ thể sẽ ra sao, có còn khỏe mạnh, cuộc sống có bình thường hay không? Theo nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy, hầu hết những người chỉ có một quả thận nhưng quả thận đó vẫn khỏe mạnh, hoạt động bình thường, mạch máu không bị bế tắc, họ vẫn có cuộc sống bình thường, vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt và khả năng lao động không bị hạn chế.

Trên thực tế, có rất nhiều người hiến một quả thận cho người khác vẫn sống khỏe mạnh. Theo y học, nếu người đã cho một quả thận và quả còn lại chỉ hoạt động còn một nửa chức năng của cả 2 quả thận (khoảng 50%) thì người đó vẫn sống được. Song, cũng có một số người thận bị hư hết, nếu được ghép mới thì họ vẫn có sức khỏe và lao động như người bình thường.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Anh và tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, thận là cơ quan linh hoạt và thích ứng vô cùng tốt. Những người hiến đi 1 quả thận thì quả thận còn lại có sự hoạt động tăng cường ở mức 70% sau thời gian hiến thận khoảng 2 tuần và tiếp tục tăng lên 75-85% khi theo dõi dài lâu.

BS Phương Dung giải thích, khi còn một quả thận, nó thường điều chỉnh hiệu suất hoạt động để đảm bảo các nhiệm vụ mà thường 2 quả thận đảm trách. Khi đó, các đơn vị trong quả thận còn lại sẽ tăng kích thước lên để giúp lọc máu, đào thải nước và các chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Sự tăng kích thước này gọi là phì đại và sẽ không gây ra tác dụng phụ trong những năm tháng về sau. Thậm chí, với những người sinh ra chỉ một quả thận thì nó sẽ tự tăng kích thước một phần và chức năng lên bằng 2 quả thận để đảm bảo hoạt động của thận vẫn diễn ra trơn tru. Với khả năng thích ứng linh hoạt của cơ quan này nên người có một quả thận vẫn có thể sống mạnh khỏe.

“Tuy nhiên, người bị phẫu thuật đi một quả thận cần có lối sống lành mạnh, ăn uống sinh hoạt điều độ, quan trọng là chú ý theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ, chú ý xét nghiệm protein niệu, làm các xét nghiệm đánh giá chức năng của thận thường xuyên. Đặc biệt, họ cần chú ý theo dõi huyết áp, vì một trong những chức năng của thận là điều hòa huyết áp. Khi mất một quả thận, có nguy cơ huyết áp tăng cao”, BS Phương Dung khuyến cáo.

Khi huyết áp tăng cao có thể sẽ làm hỏng các vi mạch của thận, làm tổn thương cầu thận, dẫn đến làm suy giảm chức năng của thận. Đây chính là vòng xoắn của bệnh lý rất nguy hiểm. Với những người sau khi phẫu thuật sẽ có vết sẹo sau cuộc mổ. Vết cắt này có thể làm tổn thương thần kinh, có thể gây ra những đau đớn về sau. Ngoài ra, người sau khi phẫu thuật có nguy cơ về thoát vị, bán tắc ruột hoặc tắc ruột sau phẫu thuật, nhất là khi cắt thận trong các tình huống khẩn cấp, không đủ thời gian có sự chuẩn bị kỹ càng.

Đặc biệt với những người sinh ra một quả thận duy nhất hoặc cắt bỏ quả thận ở tuổi nhỏ thì có khả mất một số chức năng sau này và có nguy cơ huyết áp cao. Tuy nhiên, tình trạng mất chức năng thận thường rất nhẹ và họ vẫn có thể sống thọ. Nhìn chung, hầu hết những người sống với một quả thận vẫn sống bình thường và ít có vấn đề đặc biệt xảy ra.





BS CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

BS CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Chế độ ăn uống và tập luyện cho người có một quả thận

Người chỉ có một quả thận vẫn đảm nhiệm đầy đủ các chức năng, xử lý tất cả các bộ lọc giúp cơ thể sống khỏe mạnh, chỉ cần chú ý chăm sóc quả thận còn lại khỏe mạnh, tránh những tổn thương và hư hại.

Về vận động: Người chỉ còn một quả thận vẫn cần thường xuyên luyện tập, giúp tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, giúp máu lưu thông tốt hơn, tăng cường sự trao đổi chất, duy trì chỉ số cân nặng ở mức hợp lý. Bởi người thừa cân sẽ gây áp lực lên thận, do đó việc luyện tập phù hợp để kiểm soát cân nặng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, với người chỉ có một quả thận không nên chơi các môn thể thao vận động mạnh có nguy cơ làm thận chấn thương như bóng đá, bóng chuyền, võ thuật… Nên chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như: bơi lội, đạp xe đạp, yoga…, tránh nguy cơ làm thận chấn thương.

Về dinh dưỡng: Theo các chuyên gia, nếu bạn sống với một quả thận khỏe mạnh thì không cần phải điều chỉnh gì cả mà cần có chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, với những trường hợp thận bị loại bỏ do bệnh lý, và có nguy cơ cao bị tổn thương quả thận còn lại thì cần trao đổi kỹ với bác sĩ về chế độ ăn kiêng hợp lý. Trường hợp thận gặp phải tình trạng protein niệu, khi protein di chuyển vào máu và nước tiểu. Điều này có thể dẫn đến sưng và ứ đọng nước, cần phải cắt giảm lượng chất đạm trong khẩu phần ăn của mình.

Chế độ dinh dưỡng giúp thận hoạt động khỏe mạnh:

Hạn chế chất đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày: theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, không ăn quá 0,8 – 1 g đạm/kg cân nặng/ngày. Không ăn nhiều muối, chỉ nên ăn không quá 2- 4g muối ăn/ngày. Ăn nhiều muối sẽ dẫn đến giữ nước trong cơ thể, tăng áp suất trong các mạch máu thận làm tăng gánh nặng cho thận.

Không ăn thức ăn chế biến sẵn. Không ăn các gia vị cay nóng như tiêu, ớt. Hạn chế rượu bia, các loại nước khoáng (đặc biệt là nước khoáng có nhiều natri)

Không ăn các thức ăn chứa nhiều photpho, kali như: pho mát, gan, lạc, đậu đỗ, chuối, các loại quả khô, mứt hoa quả, chocolate… Chọn lựa thực phẩm sạch, tăng cường rau xanh và trái cây tươi. Uống đủ nước mỗi ngày 2-2,5 lít

Theo BS Phương Dung, ngoài ra, người chỉ còn một quả thận cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) giúp tầm soát sức khỏe toàn diện và đặc biệt kiểm tra hoạt động của thận bằng các xét nghiệm protein niệu, mức lọc cầu thận và các xét nghiệm khác để đánh giá chức năng thận. Nếu thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường thì cần đến các cơ sở y tế và bệnh viện có chuyên khoa Thận uy tín để được thăm khám ngay, chẩn đoán và điều trị tích cực từ sớm. Trường hợp nặng có thể cần chạy thận hoặc ghép thận.

Anh Đài

Trả lời