Covid-19 gây suy giảm nhận thức tương đương 20 năm lão hóa Leave a comment

Những người mắc Covid-19 nặng bị suy giảm chú ý, trí nhớ, suy luận và lập kế hoạch hơn so với người chưa từng mắc hoặc mắc Covid-19 nhẹ.

Nghiên cứu về suy giảm nhận thức ở người mắc Covid-19 đăng trên tạp chí eClinical Medicine đầu tháng 5/2022 cho thấy, những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng có liên quan đến tình trạng suy giảm nhận thức dai dẳng, giống với suy giảm chức năng nhận thức thường xảy ra ở những người trong độ tuổi 50-70 tuổi. Nghiên cứu cũng cho thấy, tình trạng suy giảm nhận thức ở người mắc Covid-19 nặng tương đương như suy giảm 10 điểm IQ.

Theo dữ liệu chính thức từ năm 2020, cứ 10 người Mỹ trên 18 tuổi thì có khoảng 4 người có nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Một số ít những người mắc Covid-19 gặp tình trạng suy giảm nhận thức trong 4 tuần đầu tiên kể từ khi xuất hiện các triệu chứng của căn bệnh này. Tình trạng suy giảm nhận thức phổ biến bao gồm các vấn đề về khả năng tập trung, sương mù não, trí nhớ và chức năng điều hành.





Người mắc Covid-19 nặng có nguy cơ bị suy giảm nhận thức khá cao. Ảnh: Freepik

Người mắc Covid-19 nặng có nguy cơ bị suy giảm nhận thức. Ảnh: Freepik

Trước đây, một số nghiên cứu sử dụng các bài kiểm tra tâm lý thần kinh bằng bút và giấy để đánh giá chức năng nhận thức. Tuy nhiên các kiểm tra này không có độ nhạy để phát hiện những thay đổi nhỏ trong chức năng nhận thức, cũng như phân biệt các lĩnh vực hoặc khía cạnh khác nhau của chức năng nhận thức bị ảnh hưởng bởi nCoV. Để giải quyết những lo lắng đó, các tác giả của nghiên cứu này đã sử dụng các bài kiểm tra nhận thức trên máy tính để mô tả một cách khách quan các lĩnh vực cụ thể của chức năng nhận thức bị ảnh hưởng sau khi mắc Covid-19 nặng. Các bài kiểm tra máy tính cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ của những thiếu hụt nhận thức.

Các nhà nghiên cứu lấy thông tin từ 46 bệnh nhân từng nhập viện vì Covid-19 nặng, được chăm sóc tại Bệnh viện Addenbrooke ở Cambridge, Anh. Hiệu suất của 46 người tham gia trong các bài kiểm tra nhận thức được so sánh với 460 người trong nhóm đối chứng. Các cá nhân trong nhóm đối chứng không nhập viện vì Covid-19, phù hợp về độ tuổi, giới tính và trình độ học vấn.

Trong các bài kiểm tra nhận thức, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bệnh nhân Covid-19 nặng có điểm số thấp hơn và thời gian phản hồi chậm hơn so với các đối chứng phù hợp. Những người từng mắc Covid-19 nặng có sự thiếu hụt rõ rệt hơn trong các lĩnh vực nhận thức cụ thể, bao gồm tốc độ xử lý, sự chú ý, trí nhớ, suy luận và lập kế hoạch. Hiệu suất trong các bài kiểm tra nhận thức có tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh cấp tính. Ví dụ, thiếu hụt nhận thức rõ ràng hơn ở những người cần thở máy.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục so sánh hiệu suất của những người mắc Covid-19 nặng với hơn 66.000 người khác từ quần thể nói chung. Họ nhận thấy mức độ suy giảm nhận thức ở những người mắc Covid-19 nặng tương đương với mức độ suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi dự kiến trong khoảng thời gian 20 năm từ 50-70 tuổi.

Giáo sư David Menon, người đứng đầu Khoa Gây mê tại Đại học Cambridge, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, suy giảm nhận thức thường phổ biến với các loại rối loạn thần kinh, bao gồm chứng mất trí nhớ, lão hóa thường xuyên. Tuy nhiên suy giảm nhận thức ở bệnh nhân mắc Covid-19 nặng khác với những loại này.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những người bị Covid-19 cũng trải qua các triệu chứng sức khỏe tâm thần dai dẳng như lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), góp phần vào sự suy giảm chức năng nhận thức.

Theo các chuyên gia, những thiếu hụt về nhận thức này tồn tại 6-10 tháng sau khi bắt đầu dương tính với Covid-19 và có sự cải thiện dần dần. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết dẫn đến tình trạng suy giảm nhận thức, trong đó có lý do nhiễm trùng trực tiếp vào não bởi nCov và gián đoạn cung cấp máu cho não. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nghiêng về giải thuyết các triệu chứng nhận thức dai dẳng xảy ra do các vấn đề viêm nhiễm.

Anh Chi (Theo Medical News Today)

Trả lời