Cụ ông phát hiện mắc bệnh tiểu đường sau khi cấp cứu Leave a comment

TP HCMÔng Hồng (93 tuổi) yếu nửa người, nói chuyện khó khăn, khát nước nhiều… được đưa vào bệnh viện cấp cứu mới hay lượng đường trong máu rất cao.

Ông Trần Ngọc Hồng (93 tuổi, ở Vũng Tàu) trở về Việt Nam sau chuyến đi Ấn Độ vào đầu tháng 5/2022. Thấy ông mệt mỏi, người nhà nghĩ do ông tuổi cao, lại đi đường xa. Vài ngày sau, ông bắt đầu yếu nửa người, nói chuyện khó khăn, ho có đờm đục, khát nước liên tục và đi tiểu nhiều lần. Triệu chứng bệnh ngày càng tăng, gia đình đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Mức đường huyết cao 700 mg/dl

Tiếp nhận người bệnh, ThS.BS Phan Thị Ngọc Lời (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng yếu nửa người bên phải. Người bệnh được chỉ định chụp MRI, chụp X-quang, xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu. Kết quả ghi nhận người bệnh bị bệnh tiểu đường tuýp hai với mức đường huyết rất cao 700 mg/dl, tổn thương cầu não nghi do tăng áp lực thẩm thấu máu. Trong khi mức đường huyết bình thường của một người trước khi ăn dao động 90-130mg/dl và sau khi ăn là 180 mg/dl.

Bệnh nhân còn mắc lao phổi trên nền bệnh tiểu đường. Bác sĩ Lời chỉ định truyền bù dịch và tiêm insuline tĩnh mạch cho bệnh nhân, đồng thời phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, khoa Hô hấp… tiếp tục theo dõi, điều trị.





Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM lấy máu ngón tay để đo đường huyết cho ông Hồng vào đầu tháng 5. Ảnh: Nguyễn Trăm

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM lấy máu ngón tay để đo đường huyết cho ông Hồng vào đầu tháng 5. Ảnh: Nguyễn Trăm

Ngay khi nhận kết quả mắc bệnh tiểu đường, người nhà ông Hồng khá ngạc nhiên, bởi từ trước đến nay, ông ăn uống lành mạnh, cũng không có biểu hiện mắc bệnh. Sau khi đi Ấn Độ về, ông vẫn ăn uống bình thường nhưng lại khát nước nhiều, tiểu nhiều lần, sụt ký, hoạt động ngày càng chậm chạp.

Điều trị cho người bệnh, bác sĩ Võ Trần Nguyên Duy (khoa Nội tổng hợp) cho biết, bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp hai, hiện đã biến chứng sang tăng áp lực thẩm thấu máu, rối loạn vị giác. Nếu không đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Sau khi xử trí tại khoa Cấp cứu, bác sĩ tiếp tục truyền insuline tĩnh mạch. Hiện, người bệnh đã qua nguy kịch, đang được điều trị lao phổi song song với điều chỉnh đường huyết.





Sau khi điều trị hai ngày, mức đường huyết của bệnh nhân Hồng vẫn khá cao, gần 290 mg/dl. Ảnh: Nguyễn Trăm

Sau khi điều trị hai ngày, mức đường huyết của bệnh nhân Hồng vẫn khá cao, gần 290 mg/dl. Ảnh: Nguyễn Trăm

Bác sĩ Duy cho biết, tiểu đường là căn bệnh phổ biến, diễn biến âm thầm nhưng gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Biến chứng cấp tính của tiểu đường là nhiễm toan ceton – một tình trạng tăng đường huyết, tăng ceton trong máu và nhiễm toan chuyển hóa với biểu hiện như buồn nôn, đau bụng, hôn mê…

Theo bác sĩ Duy, nhiều ca bệnh tiểu đường nhiễm toan nếu không kịp đến bệnh viện sẽ dễ tử vong tại nhà hoặc ngưng tim trên đường đưa đến bệnh viện. Nếu được cứu sống, người bệnh cũng thường chết não hoặc giảm chức năng thần kinh. Nhiều người không hay biết mình mắc bệnh tiểu đường cho đến khi hôn mê, phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu như trường hợp của bệnh nhân Hồng. Khi khai thác bệnh sử, họ mới nhận ra đã bỏ qua các triệu chứng của bệnh.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường

Theo bác sĩ Lời, có ba loại bệnh tiểu đường là tiểu đường tuýp một, tiểu đường tuýp hai và tiểu đường thai kỳ. Trong đó, tiểu đường tuýp một và tiểu đường tuýp hai là phổ biến nhất.

Tiểu đường tuýp một (đái tháo đường phụ thuộc insulin) xảy ra do tuyến tụy sản xuất ít hoặc không tiết ra insulin tạo ra năng lượng cho các tế bào. Bệnh thường gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi, biểu hiện bằng các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, mắt mờ, khát nước, thường xuyên đói, mệt mỏi, sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân. Nếu không phát hiện và kiểm soát kịp thời, bệnh tiểu đường tuýp một sẽ dẫn đến biến chứng nhiễm toan ceton, tử vong. Bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp một được điều trị bằng cách tiêm insulin.

Trong khi đó, tiểu đường tuýp hai (đái tháo đường không phụ thuộc insulin) là bệnh rối loạn chuyển hóa carbonhydrat do cơ thể không sử dụng insulin đúng cách hay insulin không thực hiện chức năng. Triệu chứng của tiểu đường tuýp hai tương tự tiểu đường tuýp một nhưng diễn tiến trong thời gian dài như: tiểu nhiều, hay bị khô khát, khô miệng, ăn nhiều nhưng vẫn nhanh đói, giảm cân hoặc tăng cân bất thường, suy thận, phù nề… Bác sĩ Lời cho biết, tiểu đường tuýp hai chiếm khoảng 75-85% tổng số ca bệnh tiểu đường.

Căn cứ vào mức độ tiểu đường tuýp hai mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp nhằm kiểm soát glucose trong máu. Người bệnh uống thuốc trị tiểu đường và điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn nhiều rau xanh (như rau súp lơ, cải xanh, bí đao…), hạn chế chất béo và protein, cắt giảm calo, luyện tập thể dục bằng cách đi bộ, thực hiện các động tác nhẹ nhàng… Trường hợp sử dụng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân kết hợp điều trị tiểu đường bằng insulin hoặc điều trị hoàn toàn bằng insulin.

Theo ước tính của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) vào năm 2021, có khoảng 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 643 triệu người vào năm 2030 và 783 triệu người vào năm 2045.

Tại Việt Nam, theo Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam năm 2021, có hơn 3,5 triệu người mắc tiểu đường với hơn 55% người bệnh biến chứng. Trong đó, có 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Nguyễn Trăm

Trả lời