Cường giáp, suy gan nặng ở bệnh nhân tiểu đường Leave a comment

TP HCMMệt mỏi, ăn uống khó tiêu, không ngon miệng, bệnh nhân Nghị đi khám phát hiện suy gan, cường giáp nặng trên nền bệnh tiểu đường, được cấp cứu kịp thời.

Trước nhập viện hai tuần, anh Trần Xuân Nghị (55 tuổi, ở TP Thủ Đức) thường xuyên mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, khó tiêu. Đi khám ở phòng mạch gần nhà, bác sĩ phát hiện men gan tăng cao nên chuyển anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu vào giữa tháng 5.

Người bệnh cho biết bị đái tháo đường tuýp hai, nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính. Dựa vào tình trạng vàng da, mệt mỏi, BS.CKI Lê Thị Minh Thi (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) nghi ngờ người bệnh bị tổn thương gan cấp tính nên bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm bụng kiểm tra. Kết quả ghi nhận ALT (chỉ số xét nghiệm máu có chức năng phát hiện các tổn thương gan) lên tới 1.200 UI, tăng gấp 35 lần so với bình thường. Bên cạnh đó, chỉ số bilirubin phản ánh tình trạng suy tế bào gan, tắc mật cũng tăng cao. Với kết quả này, người bệnh đối mặt nguy cơ suy gan cấp tính nặng, diễn tiến nặng khó lường.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ phát hiện người bệnh thường xuyên mệt, nhịp tim nhanh, hay nháy mắt, sụt cân, có bướu cổ nhỏ nên chỉ định siêu âm, xét nghiệm hormone tuyến giáp. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị cường giáp nặng.

Trực tiếp điều trị cho người bệnh, TS.BS Trần Minh Giang (Phó khoa ICU, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết), bệnh nhân rơi vào đợt bùng phát viêm gan siêu vi B cấp nên suy gan nặng, lại xuất hiện thêm bệnh cường giáp cũng nặng. Sự kết hợp cùng lúc ba bệnh nặng: suy gan, cường giáp, tiểu đường nên người bệnh đối diện nguy cơ tử vong cao.

“Chúng tôi nhanh chóng thay huyết tương nhằm loại bỏ các kháng thể tự miễn, nội độc tố, bilirubin… trong huyết tương người bệnh. Sau khi thay huyết tương, tình trạng gan và cường giáp của bệnh nhân ổn định, chúng tôi phối hợp với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết điều trị”, bác sĩ Giang nói.

Bệnh nhân Nghị chia sẻ, do tính chất công việc kinh doanh nên anh thường uống nhiều rượu bia, không theo dõi và điều trị viêm gan B liên tục nên bệnh bùng phát đến suy gan, bất ngờ mắc cường giáp.





Người bệnh được thay huyết tương kịp thời. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người bệnh được thay huyết tương kịp thời. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cường giáp tấn công do mắc nhiều bệnh nền

Bác sĩ Giang cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp như: bệnh Basedow (nguyên nhân phổ biến nhất với hơn 70% số trường hợp mắc bệnh), viêm tuyến giáp, tăng tiêu thụ iốt, sử dụng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp… Trong đó, viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị viêm, làm phá hủy cấu trúc thông thường của các nang tuyến giáp, dẫn đến hormone tuyến giáp dự trữ bị tràn ra ngoài tuyến giáp.

Ở bệnh nhân Nghị, hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp, tuy nhiên trên cơ địa người có nhiều bệnh nền như anh Nghị vừa bị tiểu đường vừa viêm gan B đang bùng phát nên khả năng xảy ra cường giáp do tuyến giáp bị viêm. Người bệnh nhập viện kịp thời.

Sau khi thay huyết tương, tình trạng suy gan và cường giáp tạm thời ổn định nên người bệnh đã thoát khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Giang, bệnh nhân cần tái khám sau hai tuần để thực hiện lại xét nghiệm tiếp theo. Nếu tình trạng cường giáp vẫn ổn, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi. Trường hợp cường giáp chuyển nặng, men gan kiểm soát tốt, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phóng xạ. Riêng bệnh tiểu đường, anh Nghị cũng được điều chỉnh liều insuline để kiểm soát lượng đường trong máu.

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình con bướm ở phía trước cổ, có chức năng sản xuất các hormone điều hòa quá trình trao đổi chất, chuyển hóa của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất hormone giáp nhiều hơn nhu cầu cơ thể gọi là cường giáp.

Bệnh cường giáp kéo dài khoảng 3 tháng, nếu không điều trị, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormone) và kéo dài 12-18 tháng. Trong khoảng thời gian này, nếu không được phát hiện và điều trị, tình trạng suy giáp sẽ kéo dài vĩnh viễn, dẫn đến biến chứng cấp (rối loạn nhịp tim, suy tim…) và cơn bão giáp (hormone tăng quá cao) khiến bệnh nhân tử vong.

Bác sĩ Giang cho biết thêm, có ba phương pháp điều trị cường giáp là điều trị nội khoa bằng thuốc, liệu pháp điều trị phóng xạ bằng cách uống iốt có gắn chất phóng xạ, iốt thông thường hoặc điều trị ngoại khoa bằng cách phẫu thuật tuyến giáp. Việc điều trị nhằm điều chỉnh lượng hormone tuyến giáp trở lại bình thường để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe lâu dài và giảm các triệu chứng khó chịu do tình trạng gia tăng hormon giáp trong máu gây ra.

Bệnh cường giáp diễn ra âm thầm nhưng gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Do đó, người trưởng thành nên đi khám sức khỏe định kỳ tại các bệnh viện đa khoa có trang thiết bị máy móc hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm để sớm phát hiện bệnh, điều trị kịp thời.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Nguyễn Trăm

Trả lời