Cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim sau khi xuống máy bay Leave a comment

Máy bay vừa hạ cánh, bệnh nhân nặng ngực, khó thở, đưa vào Bệnh viện Tâm Anh TP HCM thì phát hiện nhồi máu cơ tim, được cấp cứu kịp thời.

Tối 21/6, trên chuyến bay từ Hà Nội về TP HCM, bệnh nhân Trần Đình Anh (nam, 60 tuổi, ngụ TP HCM) cảm thấy đau nặng ngực từng cơn ở vị trí sau xương ức. Cơn đau lan dần lên cằm kèm biểu hiện vã mồ hôi. Do nghĩ mình bị đau dạ dày nên ông được người nhà đi cùng cho uống gói thuốc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng. Sau đó, tình trạng có thuyên giảm nhưng cơn đau vẫn âm ỉ kéo dài. Đến 22 giờ 3 phút cùng ngày, ngay khi máy bay hạ cánh, ông được dịch vụ hỗ trợ sân bay đưa thẳng tới Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.

ThS.BS.CKI Nguyễn Ngọc Nhã Khanh cùng êkíp cấp cứu tiến hành các bước xử trí ban đầu. Các chỉ số đo như mạch, nhiệt độ, nhịp thở, SpO2 của người bệnh đều ổn định, chỉ có huyết áp cao, ở mức 183/103 mmHg (bình thường phải dưới 120/80 mmHg). Điện tim đo tại phòng cấp cứu cho thấy dấu hiệu của thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, do không thấy hình ảnh điện tim đo từ lần trước nên bác sĩ không thể kết luận trường hợp này là bệnh mạch vành mạn hay hội chứng vành cấp.

Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn còn đau nặng ngực âm ỉ. Qua khai thác bệnh sử, hai tuần trước đó, bệnh nhân có biểu hiện nặng ngực, được một bệnh viện gần nhà đo điện tim nhưng các chỉ số lúc đó ở mức bình thường. Lúc đó, bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm dạ dày nên cho dùng thuốc làm giảm tiết dịch dạ dày.

“Trong lúc cấp cứu, sau khi chích thuốc, biểu hiện nặng ngực của bệnh nhân vẫn không suy giảm. Nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu cơn đau ngực của hội chứng vành cấp (nhồi máu cơ tim) nên chúng tôi dùng thuốc dạng xịt nhằm làm tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, cơ tim. Sau khi dùng thuốc, cơn đau ngực của bệnh nhân đã giảm”, bác sĩ Khanh chia sẻ.





Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Tiên Hưng

Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Tiên Hưng

Bệnh nhân nghĩ rằng cũng giống lần trước, ngay khi thấy bớt đau đã xin về. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên ông ở lại để theo dõi thêm. Lúc này, bác sĩ cấp cứu tiến hành đo điện tim, xét nghiệm men tim. Kết quả cho thấy người bệnh có tình trạng thiếu máu cơ tim và tăng men tim.

Ngay trong đêm, một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa Cấp cứu và Trung tâm Tim mạch được thiết lập. Qua các kết quả xét nghiệm chuyên sâu và chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, tình trạng hẹp mạch vành. Bệnh nhân được chuyển ngay lên Trung tâm Tim mạch, áp dụng điều trị nhồi máu cơ tim theo phác đồ cấp cứu khẩn…

ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết: Khi những triệu chứng ban đầu của cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, các tế bào cơ tim bắt đầu bị tổn thương. Tình trạng tổn thương khó hồi phục sau 30 phút và tỷ lệ tử vong cao nhất trong vòng 1 giờ đầu tiên xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim. Các phương pháp điều trị chỉ đạt hiệu quả từ 2-4 giờ đầu tiên khởi phát cơn đột quỵ tim. Nhờ lợi thế gần sân bay cùng đội ngũ bác sĩ cấp cứu, tim mạch giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, êkip đã chẩn đoán và xử trí kịp thời, cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.





Siêu âm tim gắng sức tầm soát bệnh tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Anh Minh

Siêu âm tim gắng sức tầm soát bệnh tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Anh Minh

Theo bác sĩ Ngọc, nhồi máu cơ tim cấp (hay đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch.

Tình trạng nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, thậm chí hàng tuần thông qua các dấu hiệu như: cơn đau ngực (thường gặp trong hội chứng động mạch vành cấp). Bệnh nhân cảm thấy đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, kéo dài trên 15 phút xảy ra cả khi ngồi nghỉ; đồng thời cơn đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau ngực có kèm cảm giác mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, trình trạng đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc (dùng điều trị cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp).

Tuy nhiên, bác sĩ Ngọc cũng nói thêm, không phải ai cũng có các triệu chứng nhồi máu cơ tim giống nhau. Nhiều trường hợp đau nhẹ, có người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột. Đáng lưu ý, một số trường hợp như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường khi bị nhồi máu cơ tim, có thể không xuất hiện cơn đau ngực nhưng có triệu chứng khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp dưới 90/60 mmHg. Nhiều trường hợp có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như đau dạ dày do triệu chứng đau vùng dưới thượng vị.

Do đó, bác sĩ Ngọc khuyến nghị, những người có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người đột quỵ do bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, nam giới trên 60 tuổi, phụ nữ mãn kinh… cần khám sức khỏe tim mạch định kỳ để phát hiện, can thiệp sớm, phòng biến chứng nguy hiểm.

Nhã Trang

Trả lời

2.4811