Cứu đôi chân cụ ông 75 tuổi bị tắc hoàn toàn động mạch chậu Leave a comment

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đặt stent tái thông động mạch chậu bị tắc hoàn toàn, phục hồi chức năng đôi chân cho bệnh nhân.

Ông Nguyễn Thế Bảo (75 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng chân sưng nề, bàn chân, bắp chân căng nhẹ và giảm cảm giác, hạn chế vận động. Trước đó ông đã đi khám nhiều nơi nhưng được chẩn đoán đau khớp và uống thuốc. Tuy nhiên, tình trạng đau không có dấu hiệu thuyên giảm nên người nhà đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Mặc dù nhập viện với các triệu chứng của bệnh cơ xương khớp nhưng qua thăm khám, các bác sĩ khoa Cơ xương khớp nhận thấy có dấu hiệu của bệnh lý mạch máu nên tư vấn bệnh nhân khám chuyên khoa Tim mạch. Qua thăm khám và kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ khoa Tim mạch xác định bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch chậu bên phải kích thước 39,6 mm.

Đặt stent tái thông động mạch chậu

ThS.BS Nguyễn Hoài Vũ – bác sĩ can thiệp khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng tắc động mạch chậu sẽ dẫn đến các biến chứng như hoại tử, tàn phế vĩnh viễn. Vì thế, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối xơ vữa gây tắc nghẽn, đặt stent nhằm tái thông động mạch, phục hồi chức năng vận động chi dưới cho bệnh nhân.

Sau can thiệp, khối xơ vữa được loại bỏ hoàn toàn, động mạch chủ chậu của bệnh nhân được tái thông, chức năng chi dưới cải thiện tới 99%. Bệnh nhân không còn xuất hiện cơn đau, có thể đi lại và sinh hoạt bình thường.





Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng chỉ sau 3 ngày can thiệp đặt stent tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng chỉ sau 3 ngày can thiệp đặt stent tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Khó khăn của ca can thiệp này là kích thước khối xơ vữa quá lớn, người bệnh bị tắc mạn tính hoàn toàn động mạch chậu. Tổn thương này đã bị vôi hóa và rất cứng khiến cho việc can thiệp khó khăn. Với trường hợp này, nếu để lâu các tổn thương mạch sẽ ngày càng nguy hiểm, có nguy cơ hoại tử chân không thể phục hồi, khiến cơ thể suy kiệt, thậm chí cắt cụt chi ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống sau này.

Theo bác sĩ Vũ, đặt stent điều trị bệnh lý động mạch chi dưới là phương pháp can thiệp được áp dụng trong các trường hợp tắc, hẹp động mạch trong thời gian gần đây. Trong đó, sau khi tái thông vị trí tắc hẹp trên động mạch, các bác sĩ sẽ tiến hành đặt một khung giá đỡ kim loại (stent) để gia cố vị trí tổn thương, đảm bảo sự lưu thông của mạch máu sau khi được tái thông.





Can thiệp đặt stent tái thông động mạch chậu dưới sự hỗ trợ của robot Artis Pheno tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Can thiệp đặt stent tái thông động mạch chậu dưới sự hỗ trợ của robot Artis Pheno tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, kỹ thuật đặt stent kết hợp hệ thống chụp mạch hiện đại Artis Pheno được ứng dụng trong can thiệp điều trị các bệnh lý tim mạch, mạch máu. Tính năng Artis Q-Visionary intervention của robot Artis Pheno giúp đồng bộ hóa kết quả hình ảnh cắt lớp vi tính và hình ảnh trên máy can thiệp. Robot cho phép chụp CT 360 độ với tốc độ nhanh, chất lượng hình ảnh tốt đồng thời hạn chế lượng lớn thuốc cản quang tiêm vào cơ thể, tái tạo hình ảnh chất lượng cao với liều tia thấp giúp giảm tối đa sự ảnh hưởng của bức xạ tia X lên người bệnh và rút ngắn thời gian can thiệp.

Nguy cơ cắt chi dưới do tắc động mạch chậu mạn tính

Bác sĩ Trương Hoài Lam – Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết: Tắc động mạch chi dưới là một biến chứng nguy hiểm của tình trạng xơ vữa động mạch và rất dễ bị bỏ sót do các triệu chứng không rõ ràng gây nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp như đau chân, đau bắp chân, đau cách hồi, mau mỏi chân, đau khi đi bộ,…

Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch phổ biến nhất là do hút thuốc lá, mắc bệnh đái tháo đường, cholesterol trong máu cao, huyết áp cao và béo phì.





Tắc động mạch chủ chậu thường có triệu chứng không rõ rệt, dễ nhầm lẫn với bệnh cơ xương khớp. Ảnh: Shutterstock

Tắc động mạch chủ chậu thường có triệu chứng không rõ rệt, dễ nhầm lẫn với bệnh cơ xương khớp. Ảnh: Shutterstock

Mặc dù là bệnh lý mạn tính nhưng nếu không được can thiệp tái thông kịp thời, tình trạng thiếu máu chi dưới sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể hoại tử chi và thậm chí tử vong. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của bệnh có thể lên đến 49% trong khoảng 6 năm theo dõi từ thời điểm được chẩn đoán. Do đó, đây là một bệnh lý nguy hiểm nhưng không dễ phát hiện nếu không được thăm khám và tầm soát sớm.

“Người cao tuổi, đặc biệt là nam giới có thói quen hút thuốc lá cần chủ động khám tầm soát các bệnh động mạch chi dưới, kịp thời phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để điều trị hiệu quả”, bác sĩ Lam khuyến cáo.

Linh Đặng

Trả lời