Đặt túi độn ngực có nguy cơ ung thư vú? Leave a comment

Tôi 39 tuổi, đã đặt túi ngực hơn 7 năm; gần đây, tôi nghe bảo đặt túi độn ngực có thể bị ung thư, có đúng không? (Kim Anh, Hà Nội)

Trả lời:

Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ được phẫu thuật tạo hình tuyến vú không làm tăng nguy cơ ung thư vú so với phụ nữ khác. Tuy nhiên, có một số ghi nhận những trường hợp này có tăng rất nhẹ nguy cơ mắc u lympho tế bào lớn không biệt hóa (với tỷ lệ khoảng 0,3-1/1 triệu trường hợp đặt túi ngực) liên quan đến đặt túi ngực (BIA-ALCL). Đây là loại ung thư hệ bạch huyết không phải ung thư vú. U lympho tế bào lớn không biệt hóa thường xảy ra trong nang mô sẹo hoặc chất lỏng bao quanh túi độn. Trong một số trường hợp, khối u ác tính này có thể lan tràn khắp cơ thể.

Phụ nữ đặt túi độn ngực không nằm trong nhóm nguy cơ cao, chưa được bác sĩ xác định thì không cần phải chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú. Khám và siêu âm vú có thể phát hiện những tổn thương vú ở người trẻ, đồng thời khảo sát được tình trạng túi độn có còn tốt hay không.

Trong trường hợp có chỉ định chụp nhũ ảnh, phụ nữ đặt túi độn ngực nên được khám và siêu âm trước. Quy trình chụp nhũ ảnh sẽ cần ép vú khá mạnh. Tuy lực ép này không gây vỡ túi độn nhưng nếu túi độn đã bị vỡ trước đó nhưng không được phát hiện thì quá trình ép có thể khiến tình trạng này nặng và xử lý khó khăn hơn. Siêu âm là bước cần thiết để phát hiện vỡ túi độn ngực nhằm tránh rủi ro trong quá trình chụp nhũ ảnh.





Phụ nữ chụp nhũ ảnh kỹ thuật số (DBT) tầm soát ung thư vú. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Phụ nữ chụp nhũ ảnh kỹ thuật số (DBT) tầm soát ung thư vú. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Đặt túi độn ngực silicon và dung dịch muối có thể khiến bác sĩ khó nhìn thấy mô vú trên hình chụp X-quang tuyến vú. Do đó, kỹ thuật viên cần chụp khi có túi độn ngực để bác sĩ nhìn rõ các mô vú khi tầm soát. Ở phụ nữ không đặt túi độn ngực, hình ảnh X-quang của mỗi bên vú được chụp từ hai góc độ khác nhau. Tuy nhiên, phụ nữ đặt túi độn ngực cần thực hiện 4 hình ảnh phụ (2 hình trên mỗi bên vú) và 4 hình ảnh tiêu chuẩn trong quá trình chụp X-quang tuyến vú.

Hiện nay, một số đơn vị khám, tầm soát ung thư vú, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã ứng dụng phương pháp chụp nhũ ảnh kỹ thuật số cắt lớp (DBT) thay thế cho phương pháp chụp 2D truyền thống. Kỹ thuật này giúp giảm đau khi ép vú, hạn chế tia X, khắc phục tình trạng xảo ảnh chồng lấp, tăng độ chính xác và rút ngắn quy trình chẩn đoán ung thư vú giai đoạn sớm.

Chụp nhũ ảnh không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, trường hợp vẫn còn đau, tụ máu bầm sau khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật vú… chị em nên tạm thời trì hoãn chụp nhũ ảnh trừ khi có chỉ định khẩn cấp.





TS.BS Vũ Hữu Khiêm đang tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

TS.BS Vũ Hữu Khiêm đang tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị, phụ nữ đặt túi độn ngực vẫn cần kiểm tra vú định kỳ như các phụ nữ bình thường và tầm soát khi có các yếu tố nguy cơ. Túi độn ngực có thể biến đổi theo thời gian nên kiểm tra và siêu âm vú định kỳ rất cần thiết để ngăn ngừa các sự cố như vỡ túi độn ngực, nhiễm trùng, hoại tử ngực. Thăm khám định kỳ và tầm soát bằng chụp nhũ ảnh, siêu âm cũng giúp phát hiện sớm ung thư vú và u lympho tế bào lớn không biệt hóa.

Phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao gồm những người từ 40 tuổi trở lên; không chồng, rối loạn kinh nguyệt, sinh con muộn, tiền sử gia đình mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng; tiền sử bản thân mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng, từng xạ trị vùng cổ – ngực…; người mang gene đột biến BRCA1, BRCA 2… Người mắc một số hội chứng di truyền; sử dụng liệu pháp nội tiết thay thế hoặc một số yếu tố liên quan đến lối sống… cũng nên được sàng lọc ung thư vú bằng chụp nhũ ảnh hàng năm, có thể kết hợp với siêu âm hoặc chụp MRI tuyến vú.

TS.BS Vũ Hữu Khiêm
Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Trả lời