Đau dạ dày có nên ăn chuối, đu đủ, sữa chua? Leave a comment

Tôi bị đau và loét dạ dày ba năm nay, mọi người khuyên không nên ăn đu đủ và uống sữa chua. Điều này đúng không? Xin bác sĩ tư vấn?

Trả lời:

Nhiều người quan niệm đau dạ dày không nên ăn chuối, đu đủ, sữa chua vì có thành phần không tốt, khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn. Điều này đúng nhưng chưa đủ.

Chuối là loại quả nhiều dinh dưỡng, chứa hoạt chất pectin giúp cân bằng và ổn định hệ tiêu hóa. Chuối còn có khả năng trung hòa axit trong dạ dày giúp giảm nguy cơ sưng, viêm loét dạ dày và đường ruột. Tuy nhiên, bạn nên ăn chuối sau khi ăn no để trung hòa acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Không nên ăn chuối lúc đói.

Đu đủ giàu vitamin, nhất là vitamin A và enzyme papain có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp hạn chế virus, vi khuẩn gây bệnh, có thể hỗ trợ chứng đau dạ dày. Ngoài ra, đu đủ còn tạo cảm giác dễ chịu cho dạ dày, giảm bớt các triệu chứng khó tiêu và kích thích hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn nên ăn đủ đủ chín, còn đu đủ xanh chứa hàm lượng chất papain và nhựa rất dồi dào. Nếu ăn nhiều sẽ khiến lớp niêm mạc dạ dày có nguy cơ bị ăn mòn, khiến tình trạng viêm loét và đau dạ dày của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Nhiều người lo sợ ăn sữa chua sẽ làm cho tình trạng đau dạ dày nặng hơn, nhưng lượng và nồng độ acid trong sữa chua không đáng kể so với lượng acid trong dịch vị dạ dày. Ngoài ra, acid lactic được chuyển hóa từ sữa chua lại có tác dụng kìm hãm sự phát triển của HP (thủ phạm gây viêm loét dạ dày – tá tràng). Bên cạnh đó, vi khuẩn lên men trong sữa chua bám vào niêm mạc đường tiêu hóa sẽ tiết chất kháng sinh tự nhiên, tăng cường miễn dịch tại chỗ, kìm hãm sự phát triển của yếu tố gây đau dạ dày. Vì vậy, người bệnh đau dạ dày ăn sữa chua rất có lợi nhưng phải ăn sau bữa ăn và không nên ăn lúc đói. Không nên ăn quá nhiều sữa chua trong một ngày.

Để tốt cho sức khỏe, bạn nên hạn chế món ăn chiên rán do chứa hàm lượng chất béo xấu cao. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, giăm bông hay dưa muối, cà muối. Không ăn món ăn quá nóng, làm thay đổi niêm mạc của vùng hầu họng, khoang miệng, thực quản, đường ruột…

Bác sĩ Hà Hải Nam
Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu Hoá 1, Bệnh viện K (Hà Nội)

Trả lời