Dấu hiệu nhận biết đau nửa đầu tiền đình Leave a comment

Đau nửa đầu tiền đình có thể kéo dài từ 5 phút đến 72 giờ, gây chóng mặt lặp đi lặp lại, mất thăng bằng, khó chịu.

Tiến sĩ Loretta Mueller (Bệnh viện Đại học Cooper, Mỹ) chia sẻ trên Everyday Health, người bị đau nửa đầu tiền đình có cảm giác như đang đi trên không, choáng váng, quay tròn hoặc cảm thấy mất thăng bằng. Đối với một số người, các đợt hoa mắt hoặc chóng mặt kèm theo chứng đau nửa đầu có thể kéo dài vài giây nhưng đôi khi liên tục trong ngày.

Các nhà nghiên cứu cho rằng chứng đau nửa đầu tiền đình ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số. Nhưng con số thực tế có thể cao hơn. Đau nửa đầu tiền đình thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Các triệu chứng chóng mặt có xu hướng xuất hiện vào khoảng tuổi 40. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người lớn, một số trường hợp cũng có thể xuất hiện ở trẻ em.

Người mắc chứng đau nửa đầu tiền đình thường có các dấu hiệu như nhạy cảm hơn với cảm giác, đau đầu hoặc chóng mặt có thể được kích hoạt bởi kích thích thị giác ví dụ như chuyển động của đồ vật. Theo Mueller, khi bạn đang lái xe vào lúc mặt trời lặn, ánh nắng chiếu qua tán cây cũng có thể gây ra đau đầu hoặc các triệu chứng tiền đình. Một bộ phim với đồ họa 3D cũng có thể gây đau đầu, khó chịu.

Một số triệu chứng phổ biến của đau nửa đầu tiền đình bao gồm: nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng), nhạy cảm với âm thanh và buồn nôn. Đau đầu một bên, theo nhịp đập, mức độ trung bình đến dữ dội hoặc nặng hơn khi hoạt động. Nhìn thấy ánh sáng lung linh hoặc nhấp nháy trong tầm nhìn của bạn.

Không phải lúc nào chứng đau nửa đầu tiền đình cũng gây ra những cơn đau đầu. Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm sương mù não, mệt mỏi, khô miệng, đổ mồ hôi, tiêu chảy, ngáp nhiều, ngứa ran, đau da đầu và mờ thị giác…

Chứng đau nửa đầu tiền đình có thể dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ yêu cầu chụp MRI để kiểm tra não và bài kiểm tra thính giác để chẩn đoán đúng bệnh. Bác sĩ sẽ cố gắng loại trừ các bệnh có thể dễ gây nhầm lẫn trước khi chẩn đoán chứng đau nửa đầu tiền đình như chóng mặt kịch phát lành tính, bệnh Meniere, đột quỵ…

Chóng mặt kịch phát lành tính: là tình trạng rối loạn của hệ thống tiền đình, bạn có thể có cảm giác quay cuồng khi bạn di chuyển hoặc trở mình trên giường. Nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt thường do gặp một số vấn đề ở tai.

Bệnh Meniere: trước khi bị chóng mặt, thường một bên tai của bạn cảm thấy đầy hoặc nghẹt, đau. Trong lúc phát bệnh, một hoặc cả hai tai có thể bị ù hoặc và dẫn đến mất thính giác. Điều này thường không xảy ra với chứng đau nửa đầu tiền đình.

Đột quỵ thân não: cùng với chóng mặt, bạn cũng có thể bị tê, yếu, khó nói và các triệu chứng đột quỵ khác. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này hoặc nếu bạn bị chóng mặt mới chưa được chẩn đoán thì nên thăm khám với bác sĩ.





Đau nửa đầu tiền đình gây chóng mặt, choáng váng kéo dài. Ảnh: Freepik

Đau nửa đầu tiền đình gây chóng mặt, choáng váng kéo dài. Ảnh: Freepik

Theo Hiệp hội Đau đầu Mỹ, các liệu pháp khác điều trị cơn đau nửa đầu tiền đình bao gồm thuốc ức chế tiền đình (thuốc làm giảm cường độ chóng mặt và các triệu chứng liên quan) và thuốc chống nôn (thuốc ức chế buồn nôn và nôn).

Trong một số trường hợp, triptan (một loại thuốc giảm đau) có thể có hiệu quả khi được sử dụng kết hợp thuốc ức chế tiền đình hoặc thuốc chống nôn nếu trước đây bạn đã sử dụng triptan. Tiến sĩ Mueller cho biết cho biết thêm, nếu người trải qua các cơn đau nửa đầu tiền đình thường xuyên, các loại thuốc phòng ngừa đau đầu khác cũng có thể làm giảm số lượng hoặc mức độ nghiêm trọng của cơn đau.

Chứng đau nửa đầu tiền đình cũng có thể kiểm soát bằng một số cách như ăn uống, ngủ đủ giấc, tập thể dục… Biết được các tác nhân gây đau đầu có thể giúp bạn ngăn ngừa chóng mặt liên quan đến chứng đau nửa đầu. Các món ăn như chocolate, pho mát, rượu và thực phẩm có chất bảo quản là nguyên nhân gây đau nửa đầu tiền đình ở nhiều người. Bạn nên tạm dừng các món này để theo dõi các triệu chứng có thuyên giảm không.

Bạn có thể giảm số lượng và cường độ của các cơn đau nửa đầu tiền đình bằng cách duy trì thói quen ngủ đúng giờ, ăn uống lành mạnh, không bỏ bữa, hạn chế tiếp xúc với các chất kích thích, kiểm soát căng thẳng và tập thể dục thường xuyên.

Mueller chia sẻ, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể giúp mọi người học cách quản lý căng thẳng và sống chung với chứng đau nửa đầu và chóng mặt. Một số người cũng có thể phục hồi chức năng tiền đình nhờ liệu pháp vật lý trị liệu.

Huỳnh Long
(Theo WebMD, Everyday Health)

Trả lời