Dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết về đêm Leave a comment

Hạ đường huyết về đêm có các triệu chứng như đổ mồ hôi, run rẩy, thay đổi nhịp thở, nhịp tim, mệt mỏi, cáu kỉnh khi dậy.

Hạ đường huyết về đêm là khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70 mg/dL khi ngủ. Theo một số nghiên cứu, hơn một nửa số đợt đường huyết thấp xảy ra khi ngủ vào ban đêm. Hạ đường huyết về đêm thường gặp những người bệnh tiểu đường, có thể nguy hiểm nhưng ngăn ngừa được.

Khi tỉnh táo trong ngày, người bệnh tiểu đường có thể nhận biết các triệu chứng khi lượng đường trong máu thấp. Một số triệu chứng của hạ đường huyết nhẹ đến vừa như khó chịu hoặc lo lắng, khó tập trung, nhịp tim nhanh hoặc không đều, rung, bồn chồn, đẫm mồ hôi, đói bụng, buồn ngủ, mệt mỏi, lúng túng. Khi hạ đường huyết nhiều, bạn có thể nhận thấy triệu chứng như không thể ăn uống, động kinh hoặc co giật, vô thức.

Hạ đường huyết về đêm khó phát hiện vì triệu chứng xảy ra khi họ đang ngủ. Những người ngủ chung người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng này như khóc hoặc gặp ác mộng, đổ mồ hôi đủ làm ướt bộ đồ ngủ hoặc ga trải giường, cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh hoặc bối rối sau khi thức dậy, run rẩy, thay đổi nhịp thở (đột ngột thở nhanh hoặc chậm), thay đổi nhịp tim.

Một cách khác để phát hiện hạ đường huyết về đêm là sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM). CGM là một thiết bị kiểm tra mức đường huyết thường xuyên cả ngày lẫn đêm. Nó sẽ có cảnh báo nếu đường huyết giảm nhanh và báo động sẽ phát ra nếu đường huyết quá thấp. Thiết bị này đủ lớn để một người sẽ thức giấc nếu bị hạ đường huyết về đêm.





Đường huyết khi đo dưới 70 mg/dL là hạ đường huyết. Ảnh: Freepik

Đường huyết khi đo dưới 70 mg/dL là hạ đường huyết. Ảnh: Freepik

Các yếu tố nguy cơ và cách ngăn ngừa

Một số yếu tố gây hạ đường huyết về đêm như tập thể dục trước khi đi ngủ, uống rượu trước khi đi ngủ, bỏ bữa (thường là bữa tối), bị nhiễm trùng. Nếu bạn bị hạ đường huyết và cần tăng lượng đường trong máu ngay lập tức hãy áp dụng nguyên tắc 15/15. Bạn ăn ít nhất 15 gram carbohydrate bằng cách uống nửa ly nước trái cây hoặc nửa lon nước ngọt, dùng một thìa mật ong, ăn 4-5 bánh quy giòn, 3-4 viên kẹo. Kiểm tra lượng đường trong máu sau 15 phút.

Có một số cách để ngăn ngừa hạ đường huyết về đêm như kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ, sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục, tránh bỏ bữa tối. Bạn nên lưu ý thời gian tập thể dục phù hợp, theo dõi lượng rượu uống vào, ăn uống lành mạnh, cân bằng.

Kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ

Người mắc bệnh tiểu đường nên kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ để hạn chế tình trạng hạ đường huyết vào ban đêm. Nếu lượng đường trong máu của bạn thấp hãy ăn một bữa ăn lành mạnh trước khi ngủ. Lượng đường trong máu giảm ít chỉ cần một bữa ăn nhẹ. Nếu tiêm insulin, bạn có thể tạm thời giảm liều insulin, tuy nhiên cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Nhận biết triệu chứng khi lượng đường trong máu thấp về đêm

Các triệu chứng hạ đường huyết như đổ mồ hôi; run rẩy; thay đổi nhịp thở, nhịp tim; mệt mỏi… Khi bị hạ đường huyết vào ban đêm, bạn có thể thức dậy với những triệu chứng này hoặc với chỉ số đường huyết cao hơn do phản ứng của cơ thể xuống mức thấp qua đêm.

Đừng bỏ qua bữa tối

Bỏ bữa tối hoặc chỉ ăn nhẹ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến lượng đường trong máu giảm vào ban đêm. Ăn bữa tối lành mạnh, cân bằng vào ban đêm và chú ý đến khẩu phần ăn.

Tránh tập thể dục quá nhiều vào ban đêm

Người bệnh tiểu đường nên tập thể dục thường xuyên nhưng không nên tập thể dục gắng sức trong hai giờ trước khi đi ngủ vì có thể làm giảm lượng đường trong máu qua đêm. Nếu lượng đường trong máu của bạn thấp hơn 100 mg/dL vào giờ đi ngủ (trường hợp có tập thể dục) hãy tăng gấp đôi bữa ăn nhẹ để ngăn chặn tình trạng hạ đường huyết không mong muốn trong khi ngủ.

Hạn chế rượu vào ban đêm

Uống rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết vào ban đêm, vì vậy, hãy tránh uống rượu thường xuyên. Vào những dịp đặc biệt, bạn chỉ nên uống có chừng mực, không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới.

Chuẩn bị thức ăn

Nếu bạn thường xuyên thức dậy với các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp, hãy chuẩn bị sẵn thứ gì đó ở cạnh giường, chẳng hạn như soda hoặc một ít nước trái cây. Nếu lượng đường trong máu thấp vào ban đêm, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc thay đổi kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường để kiểm soát tốt hơn mức đường huyết ban đêm.

Kim Uyên
(Theo Everydayhealth)

Trả lời