Dấu hiệu nhận biết nốt ruồi chuyển biến thành ung thư da Leave a comment

Nốt ruồi có những đường viền không cân xứng, chuyển màu và thay đổi bất thường theo thời gian là dấu hiệu cảnh báo ung thư da.

Ung thư da là sự phát triển mất kiểm soát của các tế bào bất thường ở lớp biểu bì, lớp da ngoài cùng, do tổn thương DNA không được sửa chữa gây ra đột biến. Những đột biến này dẫn đến các tế bào da nhân lên nhanh chóng và hình thành các khối u ác tính.

Hai nguyên nhân chính gây ung thư da là do tia cực tím (UV) có hại của ánh nắng mặt trời và việc sử dụng giường tắm nắng có tia UV. Theo tổ chức Ung thư da (Mỹ), ung thư da không phải loại ung thư hiếm gặp, ước tính có khoảng 1/5 người Mỹ mắc ung thư da trước 70 tuổi.

Với ung thư da giai đoạn đầu, các triệu chứng có thể rất tinh vi như một mảng khô phát triển trên môi hoặc tai. Học cách phát hiện các dấu hiệu cảnh báo là việc quan trọng vì khi được xác định sớm, ung thư da có khả năng chữa khỏi cao.

Theo tờ Very Well Health, các tổn thương tiền ung thư không phải lúc nào cũng tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, một số tổn thương sẽ phát triển thành ung thư da. Ung thư da được chia làm 3 loại, bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào đáy và u ác tính. Mặc dù không phổ biến nhưng u ác tính lại là dạng ung thư da đe dọa nhất. Nếu không được điều trị, nó có thể lây lan nhanh chóng đến các cơ quan khác và hệ thống bạch huyết. Các u hắc tố thường xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng vị trí phổ biến nhất ở phụ nữ là trên cánh tay và chân; ở nam giới là đầu, cổ, lưng và thân mình.

Dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất của khối u ác tính là một đốm hay nốt ruồi trên da thay đổi về kích thước, màu sắc hoặc hình dạng. Trong trường hợp bình thường, nốt ruồi hoàn toàn vô hại với sức khỏe mọi người nhưng khi có có dấu hiệu thay đổi trên nốt ruồi, có thể người đó đang có nguy cơ bị ung thư da.

Nốt ruồi không điển hình không phải là ung thư nhưng có thể phát triển thành ung thư da nếu không được điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, các nốt ruồi không điển hình lớn hơn và có hình dạng bất thường hơn các nốt ruồi thông thường. Chúng cũng có đường viền không đồng đều và có nhiều màu. Người bệnh có nguy cơ cao phát triển khối u ác tính nếu trên cơ thể có những nốt ruồi không điển hình. Do vậy người bệnh cần theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm.





Sụ thay đổi của nốt ruồi trên cơ thể cảnh báo nguy cơ ung thư da. Ảnh: Freepik

Sụ thay đổi của nốt ruồi trên cơ thể cảnh báo nguy cơ ung thư da. Ảnh: Freepik

Các nhà nghiên cứu cho rằng, kiểm tra da thường xuyên giúp mọi người học cách nhận ra những đốm, nốt ruồi trên cơ thể đã xuất hiện và thay đổi ra sao. Mọi người nên sử dụng gương soi toàn thân khi kiểm tra da để phát hiện những thay đổi hoặc dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư da. Quan sát cơ thể trong gương từ mọi góc độ trước, sau và 2 bên. Lần lượt thực hiện với từng bộ phận trên cơ thể, bắt đầu từ bàn tay và cánh tay, kiểm tra kỹ hai bên bàn tay và những nơi khó nhìn thấy như nách. Tiếp tục di chuyển đến chân và bàn chân, đảm bảo kiểm tra mặt sau của chân, lòng bàn chân và giữa các ngón chân. Sử dụng một chiếc gương nhỏ để quan sát kỹ hơn mông và lưng, đồng thời dùng một chiếc gương nhỏ để soi mặt, cổ, đầu và da đầu, ngôi tóc và cảm nhận xung quanh da đầu.

Có hai kỹ thuật quan trọng nhất cần nhớ để kiểm tra nốt ruồi có đang là dấu hiệu của ung thư da hay không, bao gồm kỹ thuật ABCDE và dấu hiệu vịt con xấu xí.

Quy trình ABCDE

Khi kiểm tra nốt ruồi, đây là những gì cần tìm:

A – Asymmetry: Bình thường nốt ruồi có hình dạng đối xứng, nếu là khối u hắc tố, nốt ruồi có xu hướng không đồng đều, với một nửa không khớp với nửa kia.

B – Đường viền: Các u hắc tố thường có mép không đều, kém xác định hoặc lởm chởm, trong khi nốt ruồi có đường viền đều, mịn.

C – Màu sắc: Các nốt ruồi bình thường sẽ có xu hướng đều màu, nếu một người bị ung thư da, khối u ác tính có thể có nhiều hơn một màu hoặc có các sắc độ khác nhau của một màu.

D – Đường kính: Khi kiểm tra nốt ruồi, bạn nên chú ý đến độ lớn của nốt ruồi, vết đốm, vết thương của nốt ruồi. Hầu hết các khối u ác tính đều lớn hơn 6 mm.

E – Evolution: Một người nếu thường xuyên quan sát cơ thể có thể nhận biết nốt ruồi đang tiến triển và thay đổi từng ngày. Nếu bị ung thư da, các u hắc tố thay đổi về kích thước, hình dạng và màu sắc, trong khi các nốt ruồi bình thường có xu hướng giữ nguyên.

Dấu hiệu “vịt con xấu xí”

Dấu hiệu “vịt con xấu xí” là một phương pháp cảnh báo khác giúp xác định khối u ác tính. Thông thường, các nốt ruồi trên cơ thể trông khá giống nhau. Tuy nhiên, so với các nốt ruồi khác, u ác tính có xu hướng nổi bật như một chú vịt con xấu xí. Người có nguy cơ ung thư da, nếu càng kiểm tra da và làm quen với nốt ruồi sẽ càng dễ dàng phát hiện sớm một “con vịt con xấu xí” trên da mình.

Ngoài các dấu hiệu nhận biết ở nốt ruồi, các tổn thương tiền ung thư cũng là dấu hiệu để một người có thể nhận biết khả năng mắc ung thư da của bản thân.

Dày sừng hoạt tính (actinic): dày sừng hoạt tính, còn được gọi là dày sừng mặt trời, là tình trạng xuất hiện các mảng da lớn, có vảy do tiếp xúc mạn tính với bức xạ tia cực tím (UV), chẳng hạn như ánh sáng mặt trời. Các mảng này thường xuất hiện trên những vùng cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bao gồm mặt, cổ, da đầu, bàn tay, vai, cánh tay và lưng. Các mảng hình thành do dày sừng actinic rất nhỏ, có vảy và khô, và màu sắc của chúng thay đổi, xuất hiện dưới dạng các sắc thái khác nhau của hồng, trắng và nâu hoặc giống với màu da của một người. Do kết cấu thô và tùy thuộc vào vị trí của chúng trên cơ thể, dày sừng actinic có thể được cảm nhận trước khi nhìn thấy.

Viêm môi actinic: viêm môi actinic còn được gọi là môi nông dân hoặc môi thủy thủ, tương tự như bệnh dày sừng actinic, nhưng các mảng sần sùi và có vảy xuất hiện trên môi, thường là môi dưới. Viêm môi xuất hiện do tiếp xúc mạn tính với tia cực tím và nam giới bị ảnh hưởng nhiều hơn nữ giới. Nếu không được điều trị, viêm môi actinic có thể tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC), một loại ung thư da.

Sừng da: sừng da là những tổn thương da do keratin (protein dạng sợi cấu tạo nên móng tay và tóc) thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời của cơ thể. Chất sừng tạo thành những khối phát triển giống như sừng động vật nhỏ. Sừng ở da có thể khác nhau về kích thước và hình dạng và thường thấy ở người lớn tuổi.

Anh Chi (Theo Very Well Health)

Trả lời