Dấu hiệu nhận biết trẻ có triệu chứng hô hấp hậu Covid-19 Leave a comment

Hậu Covid-19 một số trẻ có các triệu chứng ho kéo dài, tức ngực, trẻ mệt và thở nhanh khi chơi đùa.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đến nay Việt Nam ghi nhận hơn 500.000 ca Covid-19 là trẻ em. Mặc dù khi mắc Covid-19 trẻ thường có triệu chứng nhẹ, khỏi nhanh, nhưng một số trẻ gặp phải tính trạng hậu Covid-19 thì khó tránh khỏi.

Những triệu chứng thường gặp

Theo TS.BS Đỗ Thị Hạnh, Khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh, tùy từng trẻ có thể có một hoặc nhiều triệu chứng khác nhau như sốt, ho, chảy mũi kéo dài, cảm giác bất thường vùng ngực (tức ngực, đau ngực), trẻ gặp khó khăn khi thở (như thở hụt hơi, thở nhanh nông, khó thở, khó thở gắng sức). Từ đó dẫn đến toàn trạng trẻ cảm thấy mệt mỏi, có thể gây mất ngủ, sức khỏe giảm sút so với khi khỏe mạnh.

Để nhận biết trẻ có triệu chứng hậu Covid-19, cần quan sát trẻ, nếu có những dấu hiệu như: Sốt (đo thân nhiệt trên 37,5 độ) dù đã khỏi bệnh vài ngày. Trẻ ho khan kéo dài hoặc ho có đờm, ho có thể ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt của trẻ. Trẻ kêu khó chịu vùng ngực, tức ngực, đau ngực. Trẻ thở nhanh hơn bình thường, có co kéo hõm ức hoặc rút lõm lồng ngực ở trẻ nhỏ khi thở. Màu sắc môi có thể tím nhẹ.

Một số dấu hiệu khác như trẻ mệt và thở nhanh khi chơi đùa, chạy nhảy. Trẻ khó khăn khi tham gia các hoạt động thể lực cùng bạn bè hoặc cùng các thành viên trong gia đình. Trẻ phải ngừng tham gia các hoạt động thể lực giữa chừng do mệt hoặc khó thở. Trẻ giảm khả năng tập trung học tập. Tâm lý trẻ thay đổi như buồn bã, chán nản, lo lắng….





Khám hậu Covid-19 cho bệnh nhi tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Khám hậu Covid-19 cho bệnh nhi tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Hạnh cho biết, mức độ nặng và sự ảnh hưởng của các triệu chứng hô hấp hậu Covid-19 đối với trẻ có thể được bác sĩ xác định thông qua hỏi bệnh. Tại bệnh viện, bệnh nhân được đánh giá tình trạng khó thở trên lâm sàng thông qua đếm nhịp thở, sự co kéo các cơ hô hấp, nồng độ SpO2, nghe phổi có thể thấy tiếng thở bất thường như ral phế quản, ral rít…

Bác sĩ cũng có thể đánh hậu quả của các vấn đề về hô hấp ảnh hưởng đến toàn trạng và tâm lý của trẻ như thể trạng, mức độ mệt mỏi, kém ăn,mất ngủ, kém tập trung, chán nản hoặc lo âu….

Theo bác sĩ Hạnh, khi khám tổng quát bác sĩ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp bằng phế thân ký hoặc hô hấp ký; CT lồng ngực, đo sự khuếch tán khí qua màng phế nang-mao mạch (DLCO) giúp bác sĩ lượng giá mức độ tổn thương phổi, sự suy giảm chức năng hô hấp của trẻ. Từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng trẻ và tiên lượng được tiến triển bệnh của trẻ trong quá trình theo dõi hậu Covid-19.

Điều trị và chăm sóc

Bác sĩ Đỗ Thị Hạnh cho biết đối với trẻ trong thời kỳ hậu Covid-19, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có các triệu chứng bất thường như trên để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, điều trị, tư vấn phù hợp với từng trường hợp bệnh cụ thể.

Đồng thời, khi chăm sóc trẻ tại nhà, cha mẹ cần lưu ý:

Cung cấp đủ nước, vitamin, chất khoáng , thức ăn giàu omega như cá hồi cho trẻ mỗi ngày. Bữa ăn đủ thành phần dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Trẻ trong thời kỳ bú mẹ tiếp tục sử dụng sữa mẹ thường xuyên, ăn dặm đúng cách.

Vệ sinh mũi miệng cho trẻ hàng ngày như chải răng, súc họng nước muối sinh lý, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.

Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết lạnh.

Đeo khẩu trang khi đến các nơi đông người nhằm tránh mắc các bệnh lây qua đường hô hấp.

Tránh tiếp xúc với người đang có các triệu chứng viêm đường hô hấp như hắt hơi, chảy mũi, sốt, ho….

Tiêm phòng vaccine phòng chống các bệnh viêm đường hô hấp theo lịch tiêm chủng như vaccine phế cầu, HI, cúm A, B….

Anh Chi

Trả lời

1.6894