Dấu hiệu nhiễm trùng thận cần đến bệnh viện Leave a comment

Người bị nhiễm trùng thận kèm với các dấu hiệu như đau lưng hoặc bẹn, sốt, ớn lạnh nên đến bệnh viện để được điều trị sớm.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) hay còn gọi là nhiễm trùng tiểu là loại nhiễm trùng phổ biến ở phụ nữ. Hầu hết các nhiễm trùng tiểu đều ảnh hưởng đến niệu đạo hoặc bàng quang. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng lan đến thận, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Một số trường hợp nhiễm trùng thận sẽ phải điều trị tại bệnh viện.

Ngoài cách gọi nhiễm trùng thận, tình trạng này còn có thể được gọi là viêm bể thận. Nhiễm trùng thận là một loại của nhiễm trùng tiểu, xảy ra do vi khuẩn hoặc virus, bắt đầu như nhiễm trùng các phần dưới của đường tiết niệu, chẳng hạn như bàng quang hoặc niệu đạo. Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại nhiều lần là cơ hội để vi khuẩn từ ruột xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo. Nhiễm trùng tiểu có thể tiếp tục di chuyển lên đường tiết niệu, tiến từ bàng quang vào thận.

Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng thận có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thận, huyết áp cao, suy thận, áp xe thận thậm chí là nhiễm trùng huyết.





Nhiễm trùng thận dễ dẫn đến cơn đau lưng và hông. Ảnh: Freepik

Nhiễm trùng thận dễ dẫn đến cơn đau lưng, bụng và hông. Ảnh: Freepik

Các triệu chứng của nhiễm trùng thận có xu hướng xuất hiện trong khoảng thời gian vài giờ đến một ngày. Các triệu chứng có thể bao gồm:

Đau: cơn đau âm ỉ, đau nhức thường ảnh hưởng đến lưng, bên hông hoặc bụng.

Nước tiểu thay đổi: người bị nhiễm trùng thận thường sẽ thấy nước tiểu có màu đục, có mùi hôi hoặc nước tiểu lẫn với máu.

Tiểu buốt, tiểu rắt: nhiễm trùng thận cũng gây kích ứng niêm mạc đường tiết niệu, khiến người bị đau cảm thấy cần đi tiểu gấp. Người bị nhiễm trùng tiểu bị đau và rát khi đi tiểu.

Sốt: những người bị nhiễm trùng thận thường bị sốt cao.

Ớn lạnh: cảm giác lạnh run người bất chợt đến rồi hết ở những người bị nhiễm trùng thận, những cảm giác này thường không rõ nguyên nhân.

Buồn nôn hoặc nôn mửa: nhiễm trùng có thể khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa.

Không phải người bị nhiễm trùng thận nào cũng có tất cả các dấu hiệu trên. Người bị nhiễm trùng thận có thể chỉ gặp 2-3 dấu hiệu. Do đó cần lưu ý quan sát kỹ các dấu hiệu để nhận biết và điều trị sớm.

Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (Mỹ) năm 2019, chỉ riêng nước này mỗi năm đã ghi nhận 250.000 lượt khám và 200.000 người nhập viện do nhiễm trùng thận. Nhiễm trùng thận được xếp vào tình trạng rất nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế kịp thời để không xảy ra biến chứng. Tuy nhiên do triệu chứng của nhiễm trùng thận khá giống với các bệnh lý đường tiết niệu khác nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua.

Người bệnh khi có các triệu chứng gồm tiểu gấp, đau khi đi tiểu, nước tiểu đục và có mùi hôi hoặc có máu, đau bụng, áp lực vùng chậu hoặc bàng quang nên đặt lịch khám với bác sĩ để tránh bỏ qua các dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng thận.

Trong trường hợp người bệnh có một trong các triệu chứng điển hình của nhiễm trùng thận được liệt kê ở trên kèm với các triệu chứng như đau lưng hoặc bẹn, sốt, ớn lạnh, nôn mửa, người bệnh nên đến bệnh viện để xác định chính xác nguyên nhân và tìm hướng điều trị phù hợp.

Tại bệnh viện, để xác định người bệnh có bị nhiễm trùng thận hay không, bác sĩ sẽ cho làm phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu hoặc chụp ảnh để đánh giá thận. Nếu người bệnh bị nhiễm trùng thận, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng để đưa ra đơn thuốc phù hợp.

Anh Chi (Theo Healthline)

Trả lời