Dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ Leave a comment

Dấu hiệu sớm của người mắc sa sút trí tuệ có thể bao gồm chứng hay quên, lo lắng, buồn bã, thay đổi tính cách, mất tập trung…

Sa sút trí tuệ là sự suy giảm vĩnh viễn về trí nhớ và khả năng tư duy. Có nhiều rối loạn thần kinh khác nhau gây ra chứng sa sút trí tuệ, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer. Chứng sa sút trí tuệ thường tiến triển chậm gây ra các vấn đề về chức năng điều hành bao gồm trí nhớ, kỹ năng tự chăm sóc. Ban đầu, các triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ khó nhận biết. Tuy nhiên, theo thời gian, các tác động của chứng sa sút trí tuệ tăng lên khiến người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân một cách độc lập.

Các dấu hiệu ban đầu của chứng sa sút trí tuệ bao gồm thay đổi nhận thức, thay đổi tâm trạng, thay đổi hành vi và thay đổi tính cách. Nó khá giống với trạng thái của nhiều người như hay quên các vật dụng quen thuộc đặt trong nhà, dễ cáu kỉnh, lo lắng hoặc buồn bã, quên các sự kiện đã được lên lịch sẵn… Đôi khi, người bệnh nghĩ rằng các triệu chứng xảy ra là do thiếu ngủ, bận rộn, mất tập trung… Dần dần những dấu hiệu này xuất hiện thường xuyên, dai dẳng và ngày càng nặng hơn.

Các dấu hiệu về nhận thức: khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển, các triệu chứng nhận thức phổ biến mà mọi người có thể gặp phải bao gồm: ngủ quá nhiều, thói quen ngủ thất thường, gặp khó khăn với các phép tính đơn giản, thường xuyên hoang mang, xung đột. Bạn cũng có thể hay bị lạc đường hơn, có sự xung đột, ký ức sai, chán ăn hoặc tăng cảm giác thèm ăn, không nhận ra bạn thân, thành viên gia đình hoặc đồng nghiệp lâu năm…





Hay quên là dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ sớm. Ảnh: Freepik

Hay quên là dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ sớm. Ảnh: Freepik

Các dấu hiệu tâm lý: có nhiều vấn đề về hành vi và cảm xúc có thể xảy ra với chứng sa sút trí tuệ giai đoạn đầu. Những vấn đề này không liên quan đến tính cách cơ bản của một người. Các triệu chứng tâm lý, tâm thần và hành vi của chứng sa sút trí tuệ bao gồm trầm cảm, lo lắng, kích động, hoang tưởng, thiếu ức chế, thậm chí là nói dối… Tính cách trẻ con, cho mình là trung tâm, ít quan tâm đến người khác, có các hành vi không phù hợp như cởi quần áo nơi công cộng, đi tiểu nơi công cộng, khóc hoặc cười không kiểm soát… cũng là những dấu hiệu tâm lý cảnh báo chứng sa sút trí tuệ sớm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng sa sút trí tuệ. Trong đó, những tổn thương não chẳng hạn như đột quỵ nhiều lần cũng có thể gây ra chứng mất trí nhớ gián đoạn. Ngoài ra, một số điều kiện gây ra chứng sa sút trí tuệ bao gồm:

Bệnh Alzheimer: một loại bệnh mất trí nhớ phổ biến dẫn đến sa sút trí tuệ và trầm cảm, bệnh Alzheimer thường khiến những người bị ảnh hưởng nghi ngờ người khác.

Sa sút trí tuệ mạch máu: những cơn đột quỵ dù nhỏ hay lớn đều có thể gây tổn thương khắp não bộ, dẫn đến suy giảm khả năng tư duy và trí nhớ.

Chứng mất trí nhớ vùng trán: bệnh này làm mất mô não ở thùy trán và thùy thái dương của não, dẫn đến thay đổi hành vi, mất trí nhớ.

Bệnh của Pick: chứng mất trí nhớ của bệnh Pick gây ra những thay đổi về tính cách và người bệnh không có khả năng chăm sóc bản thân.

Chứng sa sút trí tuệ thể Lewy: loại sa sút trí tuệ này gây ra các vấn đề về trí nhớ, suy giảm khả năng vận động, bao gồm run và cứng khớp.

Teo đa hệ thống: căn bệnh hiếm gặp này gây ra chứng sa sút trí tuệ, các vấn đề về vận động do thoái hóa thân não, tiểu não và các vùng khác của não.

Chứng mất trí nhớ do Parkinson: bệnh Parkinson có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ, thường ở giai đoạn muộn.

Đôi khi chứng sa sút trí tuệ có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc rối loạn cụ thể không được xác định. Hội chứng Down và bại não là những tình trạng xuất hiện ngay từ khi mới sinh có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các loại sa sút trí tuệ khác cao hơn bình thường.

Anh Chi
(Theo Very Well Health)

Trả lời