Đau khi quan hệ vì khối u 6 năm tại vùng kín Leave a comment

Lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn, gần âm đạo khiến người bệnh đau đớn mỗi khi hành kinh, khi quan hệ tình dục.

Nữ bệnh nhân 41 tuổi nhập viện trong tình trạng sưng đau vùng kín kéo dài. Qua thăm khám lâm sàng phát hiện bệnh nhân có khối u ở vùng âm hộ, trên sẹo tầng sinh môn, vị trí 7-8 giờ. Vì sát âm đạo nên khối u lạc nội mạc gây sưng đau, đặc biệt trong khoảng thời gian hành kinh, gây khó khăn khi quan hệ vợ chồng.

Th.S.BS Trần Thị Thanh Thảo – Trung tâm Sản Phụ khoa cho biết, sau khi thực hiện xét nghiệm, siêu âm, các bác sĩ đánh giá vị trí khối u lạc nội mạc không phức tạp, có thể bóc tách an toàn không ảnh hưởng đến cơ quan xung quanh. Người bệnh được rạch da, bóc lấy khối lạc nội mạc tử cung kích thước 3×3 cm. Toàn bộ khối lạc nội mạc tử cung với mô cứng kết thành khối sần xơ, xuất huyết được bóc bỏ hoàn toàn.





ThS.BS Trần Thị Thanh Thảo (giữa) trong một ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

ThS.BS Trần Thị Thanh Thảo (giữa) trong một ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Phục hồi nhanh sau ca mổ, bệnh nhân chia sẻ, bản thân phải chịu đau thường xuyên trong chu kỳ kinh nguyệt từ 6 năm về trước, sau khi sinh xong bé thứ 2 qua ngả âm đạo. Vết rạch tầng sinh môn được bác sĩ khâu lại, bị nổi khối cứng, ấn vào đau, gần tới kỳ kinh khối này sưng to, gây đau kéo dài nhiều ngày. Khi đi khám phụ khoa, chị được thông báo lạc nội mạc tử cung sẹo tầng sinh môn, nhưng thời điểm đó khối u còn nhỏ không cần can thiệp.

Theo thời gian, khối u ngày càng to hơn, khoảng 6 tháng nay, tình trạng đau mỗi lúc càng tăng, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt vợ chồng. Chị tiếp tục đến một bệnh viện thăm khám, được bác sĩ chỉ định uống thuốc tạm dừng kinh nguyệt để điều trị kéo dài trong 5 tháng.

Chị kiên trì uống thuốc tạm dừng kinh nguyệt với hy vọng không còn đau đớn, nhưng cơn đau vẫn hành hạ ngày càng dữ dội. Mỗi tháng, chị trải qua khoảng 10 ngày không thể ngồi làm việc, mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần. Ca phẫu thuật giúp chị chấm dứt nỗi ám ảnh đeo bám 6 năm qua.

Trước đó, các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đã tiếp nhận trường hợp chị Trần Thị My (sinh năm 1991, ngụ tại thành phố Thủ Đức) bị đau vùng kín, vùng hậu môn khiến bệnh nhân khó khăn khi ngồi và sinh hoạt vợ chồng. Lo lắng mắc ung thư trực tràng nên chị đăng ký khám hậu môn trực tràng, phát hiện có một khối nghi ngờ áp xe hậu môn vị trí 11 giờ. Kết quả chụp MRI cho thấy khối lạc nội mạc tử cung bất thường tại vết may tầng sinh môn, dính co kéo thành trước ống hậu môn, đoạn cuối trực tràng. BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa trực tiếp thực hiện phẫu thuật bóc tách khối lạc nội mạc tử cung, kích thước 2×3 cm.





Bệnh nhân thoát khỏi cơn đau ám ảnh suốt 6 năm nhờ phẫu thuật bóc lạc nội mạc tử cung. Ảnh; Tuệ Diễm

Bệnh nhân thoát khỏi cơn đau ám ảnh suốt 6 năm nhờ phẫu thuật bóc lạc nội mạc tử cung. Ảnh; Tuệ Diễm

MRI giúp xác định chính xác tình trạng lạc nội mạc tử cung

Bác sĩ Thảo cho biết thêm, lạc nội mạc tử cung là căn bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ và hiện nay có khá nhiều chị em gặp phải. Theo thống kê có khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc bệnh.

Đây là hiện tượng những mảng nội mạc tử cung đi lạc, phát triển ra bên ngoài buồng tử cung. Lớp niêm mạc tử cung này sẽ bong ra khi người phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt và sẽ được tái tạo sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc. Lạc nội mạc tử cung được hình thành do các chấn thương tại màng đáy của nội mạc tử cung. Các chấn thương vi thể này có thể có nguồn gốc đa dạng, tự nhiên (do hoạt động co thắt nghịch thường của tử cung) hay mắc phải (tổn thương màng đáy của nội mạc do sanh đẻ hay thủ thuật, phẫu thuật). Lạc nội mạc tử cung từng được phát hiện tại các cơ quan khác nhau như: hệ thần kinh, ngực, đường tiết niệu, đường tiêu hóa, tầng sinh môn, các mô da.

Tế bào nội mạc tử cung di chuyển lúc cắt khâu tầng sinh môn khi sản phụ có sinh qua ngả âm đạo có thể là nguyên nhân gây ra lạc nội mạc tử cung sẹo tầng sinh môn, với tỷ lệ mắc bệnh là 0,01%. Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung có thể tìm thấy sau khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật: mổ lấy thai, cắt tử cung, chọc ối, mổ nội soi. Giai đoạn tiềm ẩn của lạc nội mạc tử cung sẹo tầng sinh môn xuất hiện từ khi sinh đến khi có sự phát triển của các triệu chứng từ 2-240 tháng. Hầu hết ca bệnh được phát hiện qua thăm khám lâm sàng, siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI.

Bác sĩ Thanh Thảo cho biết, lạc nội mạc tử cung dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Để phân biệt với bướu, u xơ, u hạt, áp xe, tụ máu…, bác sĩ chỉ định siêu âm đánh giá, có thể cần chụp MRI để xác định. Lạc nội mạc tử cung có thể xâm lấn nhiều cơ quan, gây ra một số biến chứng nhất định, trong đó có 2 biến chứng nguy hiểm nhấtt: vô sinh và ung thư. Khoảng 50% phụ nữ gặp vấn đề khó khăn trong việc có thai mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, do nhiều yếu tố tác động làm cho trứng, tinh trùng khó gặp nhau để thụ tinh, ngoài ra còn có thể khó khăn trong việc làm tổ của phôi… Mặc dù hiếm gặp nhưng người bệnh bị lạc nội mạc tử cung có thể gây nhầm lẫn với ung thư buồng trứng dạng lạc nội mạc.

Lạc nội mạc tử cung có thể điều trị nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật. Tùy vào tình trạng, mức độ, phân loại lạc nội mạc tử cung ở vị trí nào trong cơ thể, gây ra những vấn đề gì… sẽ có những lựa chọn điều trị riêng biệt cho từng cá thể. Ưu điểm của phẫu thuật bóc tách lạc nội mạc tử cung giúp chấm dứt tình trạng đau đớn quanh thời kỳ hành kinh, đau khi quan hệ tình dục hoặc các hoạt động khác gây chèn ép hoặc co kéo khối lạc nội mạc.

Theo bác sĩ Thanh Thảo, lạc nội mạc tử cung không thể chủ động can thiệp ngăn ngừa nhưng có thể phát hiện sớm nhờ thăm khám phụ khoa định kỳ. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nếu có triệu chứng đau bụng dữ dội trong kỳ kinh, rong kinh, đau khi giao hợp, khó khăn khi đi cầu, phụ nữ chậm có con cần đi khám phụ khoa để bác sĩ kiểm tra.

Tuệ Diễm

Trả lời