Nhồi máu thận khó phát hiện do rất hiếm gặp, không có triệu chứng đặc hiệu nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương thận nặng.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu thận học, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết, nhồi máu thận là một bệnh lý hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 0,007% bệnh nhân cấp cứu. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, thận của người bệnh có nguy cơ bị tổn thương nặng. Khi đó việc điều trị để cứu chức năng thận khó khăn hơn nhiều, thậm chí là không hiệu quả dẫn đến mất thận.
Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân nhồi máu thận là đau lưng, sốt, buồn nôn, tiểu máu… Người bệnh có dấu hiệu suy thận cấp như thiểu niệu (lượng nước tiểu thải ra trong 24 giờ ít hơn 400ml) hay vô niệu (không có nước tiểu trong bàng quang). Triệu chứng kèm theo có thể bao gồm huyết khối ở các cơ quan khác như ruột non hoặc tay chân.
Nguyên nhân gây nhồi máu thận rất đa dạng nhưng đều có liên quan đến tiền sử của các bệnh lý thuyên huyết tắc như bệnh lý van tim, thiếu máu cơ tim… Tình trạng nhồi máu thận cấp tính còn có thể đi kèm với nguyên nhân di truyền như hội chứng Ehlers-Danlos hay Marfan; rối loạn đông máu mắc phải, các bệnh mạch máu bất thường…
Ngoài ra, người bị nhồi máu thận cũng có thể có tiền sử chấn thương động mạch thận, từng được can thiệp bằng phẫu thuật đặt stent nội mạch, thông nội mạch máu, bóc tách động mạch thận, tai biến sau can thiệp nội mạch của động mạch thận hoặc mắc các bệnh lý ác tính làm gia tăng nguy cơ đông máu. Các nguyên nhân nhân nêu trên khiến cho các cục máu đông được hình thành và di chuyển từ nơi khác đến làm tắc động mạch thận hay huyết khối hình thành tại chỗ của động mạch thận gây ra.
“Khung giờ vàng” cứu nhồi máu thận
Tiến sĩ Hoàng Đức cho biết, tình trạng nhồi máu thận rất khó phát hiện do triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Do đó, khi có các triệu chứng khởi phát đột ngột như đã đề cập ở trên, cần nhanh chóng đến bệnh viện trong vòng 3 giờ để được kiểm tra và can thiệp kịp thời.
Để chẩn đoán nhồi máu thận, ngoài thăm khám lâm sáng, hỏi tiền sử bệnh, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu sẽ chỉ định một số biện pháp chẩn đoán hình ảnh. Điển hình như chụp cắt lớp vi tính CT scan cản quang. Đây là phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn, không xâm lấn giúp phát hiện sớm huyết khối của động mạch thận cũng như đánh giá được mức độ tổn thương nhu mô thận gây ra bởi huyết khối.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp hình động mạch thận xóa nền. Phương pháp chụp động mạch thận xóa nền là chẩn đoán xâm lấn nên có thể gây ra một số biến chứng trong và sau khi thực hiện thủ thuật.
Người bệnh cũng có thể được xét nghiệm định lượng LDH huyết thanh, xét nghiệm nước tiểu… Xét nghiệm nước tiểu có vai trò giúp đánh giá tình trạng tiểu máu và được thử nhiều lần trong khoảng 24 giờ đầu khởi phát triệu chứng nhồi máu thận nhằm làm tăng giá trị của chẩn đoán.
Phương pháp điều trị tuỳ thuộc nguyên nhân gây huyết khối và thời điểm người bệnh được phát hiện. Nếu thời gian từ lúc khởi phát triệu chứng đến khi đến bệnh viện trong vòng 3 giờ, người bệnh có thể được điều trị hiệu quả bằng liệu pháp tiêu sợi huyết. Bác sĩ dùng thuốc truyền tĩnh mạch hoặc bơm qua can thiệp nội mạch để phá vỡ cục máu đông, nhằm tái tưới máu cho thận.
Nếu người bệnh đến bệnh viện quá muộn, qua khung “giờ vàng”, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật loại bỏ thuyên tắc để tái lập tưới máu do mạch máu thận lúc này đã bị chấn thương, dùng thuốc không còn hiệu quả. Bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc kháng đông kéo dài với mục tiêu dự phòng cho nhóm bệnh nhân có nguy cơ thuyên huyết tắc động mạch.
Thận hoặc một phần thận có thể bị teo do hậu quả của nhồi máu. Tình trạng này còn có thể đưa đến di chứng suy chức năng thận hoặc tăng huyết áp. Vì thế, TS.BS Nguyễn Hoàng Đức khuyến cáo mỗi người cần phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của thận, nhất là khi có tiền sử thuyên tắc động mạch. Ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ bị nhồi máu thận như đau hông, đau bụng, đau lưng dưới, tiểu máu, bí tiểu… nên đến ngay bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu thận học để được kiểm tra và điều trị, nhằm bảo tồn sức khỏe của thận.
Hân Thái