Đau tức ngực vì khối u có tóc và xương Leave a comment

Bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh TP HCM phẫu thuật nội soi loại bỏ “u quái” ở trung thất, chèn ép các tĩnh mạch, phòng biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.

Cách đây nửa năm, bà Thanh Hoa, 54 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM cảm nhận những cơn đau tức ngực nhẹ, tần suất thưa, không phải ngày nào cũng gặp nên không đi khám điều trị. Sau đó, mười đầu ngón tay của bà sưng lên nhưng một thời gian lại tự xẹp, tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng bà không nghĩ là bệnh nên cũng bỏ qua. Tuy nhiên, đến khi đi khám hậu Covid-19, kết quả chụp X-quang phổi phát hiện có khối u trung thất tồn tại đã lâu, được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, do triệu chứng lúc đó không khó chịu nên bà xin uống thuốc mà không mổ.

Đến khi triệu chứng đau tức ngực ngày càng rõ rệt hơn, bà Hoa nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Trực tiếp thăm khám, điều trị cho bà Hoa, TS.BS Nguyễn Anh Dũng – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, cho biết: Khối u trung thất của bệnh nhân có cấu tạo rất lạ gồm cả lông, tóc, xương…, được gọi là ‘u quái’. Dựa vào kích thước khối u có thể thấy tồn tại hơn 10 năm nay, không gây ra triệu chứng rõ rệt. Bệnh nhân lại không có bệnh nền, ít khi đi thăm khám, chụp phim nên không phát hiện khối u.





Hình ảnh khối u quái trên phim chụp CT phổi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Hình ảnh khối “u quái” trên phim chụp CT phổi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Dũng, kết quả chụp CT ngực cho thấy, khối u có đường kính hơn 5 cm, bắt đầu chèn ép các tĩnh mạch chủ trên, động mạch chủ xung quanh. Nếu khối u tiếp tục phát triển sẽ cản trở máu từ tĩnh mạch chủ trên đi xuống, gây ra triệu chứng phù (hội chứng tĩnh mạch chủ trên). Vì thế, cần phẫu thuật ngay thời điểm này để loại bỏ hoàn toàn khối u quái, tránh những rủi ro sức khỏe sau này.

“May mắn đây là u quái nhưng không có khả năng phát triển thành ung thư. Do đó, khối u sau khi được loại bỏ sẽ không có nguy cơ tái phát sau này”, bác sĩ Dũng nói thêm.

Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, kinh nghiệm của các phẫu thuật viên và sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị phẫu thuật nội soi, ca phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt bỏ khối “u quái” cho bà Hoa diễn ra thuận lợi sau hai giờ đồng hồ.





TS.BS Nguyễn Anh Dũng rút ống dẫn lưu màng phổi cho bà Hoa chỉ vài giờ sau mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

TS.BS Nguyễn Anh Dũng rút ống dẫn lưu màng phổi cho bà Hoa chỉ vài giờ sau mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Dũng cho biết, khó khăn lớn nhất trong ca mổ là khối u nằm gần tĩnh mạch chủ, động mạch chủ và khí quản. Nếu thao tác mổ không thuần thục, các đường bóc tách không chính xác thì sẽ làm tổn thương mạch máu, thậm chí ảnh hưởng đến đường thở, nguy hiểm tính mạng.

Đặc biệt, với kỹ thuật mổ nội soi, bác sĩ chỉ mở đường mổ 4 cm bên ngực phải bệnh nhân, đưa dụng cụ vào để lấy khối u ra khỏi lồng ngực. Do đó, người bệnh ít đau, ít mất máu, hồi phục nhanh sau mổ. Người bệnh được rút ống dẫn lưu màng phổi, ăn uống bình thường ngay hôm sau và xuất viện hai ngày sau đó.





Bệnh nhân chụp X-quang tầm soát các khối u ở ngực, trong đó có u trung thất. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bệnh nhân chụp X-quang tầm soát các khối u ở ngực, trong đó có u trung thất. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Dũng, khối u trung thất kích thước nhỏ thường không biểu hiện triệu chứng, tình cờ phát hiện trong quá trình chụp X-quang ngực khi bệnh nhân khám tổng quát hoặc kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán một bệnh lý khác.

Khi người bệnh cảm nhận các triệu chứng như ho, hụt hơi, đau ngực, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm, giảm cân không chủ đích, sưng hạch bạch huyết, tắc nghẽn đường hô hấp, khàn tiếng… là lúc khối u đã phát triển lớn, chèn ép các cơ quan xung quanh. Nếu không điều trị kịp thời, u trung thất sẽ chèn ép, xâm lấn vào các cơ quan khác như màng ngoài tim, tim và các mạch lớn (động mạch chủ, tĩnh mạch chủ, động mạch và tĩnh mạch phổi), tủy sống. Điều này dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Thu Hà

Trả lời