Đi tiểu liên tục có nguy hiểm không? Leave a comment

Tình trạng đi tiểu liên tục, tiểu nhiều hơn bình thường có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý tiềm ẩn.

Đi tiểu giúp cơ thể loại bỏ các chất thải. Nước tiểu chứa nước, ure, axit uric, độc tố và chất thải được lọc bên trong cơ thể. Nước tiểu đọng lại trong bàng quang cho tới khi đạt đến điểm đầy và muốn tiểu. Nước tiểu khi đó sẽ được tống ra ngoài cơ thể. Vai trò của thận trong quá trình này rất quan trọng.

Theo TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, phần lớn mọi người thường đi tiểu 6 – 7 lần trong khoảng 24 giờ. Tiểu liên tục là tình trạng cần đi tiểu nhiều hơn 7 lần trong khoảng 24 giờ, khi đã uống khoảng 2 lít chất lỏng trong ngày.

Tuy nhiên, tình trạng này ở mỗi cá nhân đều có sự khác biệt. Phần lớn trường hợp chỉ đi khám khi cảm thấy khó chịu, tiểu nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, trẻ em và trẻ sơ sinh có bàng quang nhỏ. Tình trạng tiểu liên tục ở nhóm đối tượng này là bình thường.

Tiểu liên tục có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận mạn tính, sỏi thận, ung thư bàng quang, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, viêm bàng quang kẽ, huyết áp cao, đái tháo đường, đột quỵ. Một số yếu tố khác có khả năng ảnh hưởng tới tần suất đi tiểu của một người như đồ uống. Các thức uống chứa caffeine, bia rượu sẽ kích thích bàng quang hoạt động nhiều hơn, dẫn tới tình trạng đi tiểu nhiều hơn.

Độ nhạy của bàng quang cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu liên tục. Một số người chỉ cần uống ít nước là đã có nhu cầu, trong khi một số lại không. Ngoài ra, bàng quang tăng hoạt, mang thai, tuổi tác (chức năng thận dần suy giảm), sử dụng thuốc lợi tiểu là các yếu tố phổ biến làm gia tăng nguy cơ mắc chứng tiểu liên tục. Đặc biệt, khả năng kiểm soát bàng quang kém ở người có tâm lý bất ổn cũng gây tiểu nhiều lần.





Các thức uống chứa caffeine, bia rượu cũng có thể dẫn tới tình trạng đi tiểu nhiều hơn. Ảnh: Shutterstock

Các thức uống chứa caffeine, bia rượu cũng có thể dẫn tới tình trạng đi tiểu nhiều hơn. Ảnh: Shutterstock

Điều trị và phòng ngừa tình trạng tiểu liên tục

PGS Vũ Lê Chuyên khuyến cáo, nếu tình trạng tiểu liên tục gây khó chịu, ảnh hưởng lớn tới đời sống, nên đi khám càng sớm càng tốt. Ngoài ra, nếu tiểu liên tục khi xuất hiện tình trạng tiểu đau, tiểu buốt, tiểu máu, tiểu không tự chủ, bí tiểu, đau bụng dưới, sốt, nôn mửa, tiết dịch từ âm đạo hoặc dương vật, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng.

Để chẩn đoán nguyên nhân tiểu liên tục, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra thể chất, lấy thông tin tiền sử bệnh. Người bệnh có thể được yêu cầu trả lời các câu hỏi như có dùng bất kỳ loại thuốc nào không, gặp các triệu chứng khác kèm theo không, tiểu liên tục diễn ra cả ngày hay chỉ ban đêm, có uống nhiều nước hơn bình thường không, màu sắc nước tiểu có gì bất thường, có uống rượu hay thức uống chứa caffeine không.

Tùy theo kết quả khám sức khỏe và tiền sử bệnh, người bệnh được đề nghị thực hiện các phương pháp chẩn đoán như xét nghiệm nước tiểu, áp lực đồ bàng quang, nội soi bàng quang, xét nghiệm thần kinh và siêu âm.

Điều trị chứng tiểu liên tục thường dựa trên nguyên nhân. Các trường hợp do bệnh lý sẽ thuyên giảm khi bệnh được kiểm soát tốt. Với người bệnh đái tháo đường, điều trị thường liên quan tới việc kiểm soát lượng đường trong máu. Người bệnh nhiễm trùng tiết niệu do vi khuẩn sẽ điều trị bằng kháng sinh và thuốc giảm đau. Nếu nguyên nhân là bàng quang tăng hoạt, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh cách tập luyện bàng quang và sử dụng thuốc kháng cholinergic.

PGS Vũ Lê Chuyên cho biết, người bệnh tiểu nhiều lần cũng cần thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng khó chịu này. Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp điều tiết lượng nước tiểu. Nên tránh các loại thức uống có cồn (rượu bia), trà và cà phê vì có tác dụng lợi tiểu, đặc biệt là người tiểu không tự chủ. Ngoài ra, những món ăn có gia vị cay nóng, ngọt cũng cũng nên hạn chế trong thực đơn hàng ngày của người bệnh. Khi dùng thuốc điều trị, có thể trao đổi với bác sĩ để tránh tác dụng phụ lợi tiểu của một số loại thuốc.

Ngoài ra, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ giúp thuyên giảm tình trạng táo bón. Điều này sẽ gián tiếp cải thiện lượng nước tiểu qua niệu đạo. Vì khi bị táo bón, trực tràng có thể gây áp lực lớn lên bàng quang, niệu đạo. Cần cung cấp đủ nước cho cơ thể để ngăn ngừa tình trạng táo bón và cô đặc nước tiểu.

Tiểu liên tục có thể là hậu quả của việc uống quá nhiều nước hoặc chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng. Đây cũng có khả năng là dấu hiệu cảnh báo sớm nhiều bệnh lý. Do đó, nếu đã cải thiện chế độ dinh dưỡng và thay đổi lối sống, tình trạng tiểu liên tục vẫn không thuyên giảm, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp, PGS Vũ Lê Chuyên nhấn mạnh.

Anh Đài

Trả lời