Cơ thể không thể phân giải và chuyển hóa chất béo, gây tích tụ trong cơ thể và bài tiết ra ngoài thành phân mỡ; do kém hấp thu, xơ gan, tắc mật.
Thành phần chủ yếu trong phân là nước, chất xơ, vi khuẩn, chất nhầy, đạm, muối, tế bào chết và chất béo. Hệ tiêu hóa hoạt động bất thường sẽ xuất hiện tình trạng phân mỡ. Lúc này, phân có mùi hôi, nhớt hơn phân bình thường và khó dội trôi. Khi người bệnh đi tiêu, có một lớp váng mỡ nổi lên trên mặt nước trong bồn cầu, phân nổi lên trên vì có hàm lượng khí cao. Sụt cân không rõ lý do, đau quặn bụng, đầy hơi, khó tiêu cũng là những dấu hiệu của đi tiêu phân mỡ.
BS.CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, tình trạng phân mỡ xảy ra khi cơ thể mất khả năng phân giải, hấp thu hoặc vận chuyển chất béo, làm gia tăng lượng chất béo trong phân gây tiêu chảy theo cơ chế thẩm thấu. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như hội chứng kém hấp thu, bệnh Celiac, xơ gan và tắc mật…
Hội chứng kém hấp thu: là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng phân mỡ theo bác sĩ Thành. Khi hệ tiêu hóa không hấp thu được các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, chất béo sẽ tích tụ lại trong ruột và bị đào thải ra khỏi cơ thể theo đường phân. Về lâu dài, người bệnh có thể bị thiếu cân, suy dinh dưỡng…
Bệnh Celiac: là tình trạng cơ thể nhạy cảm với gluten, gây tổn thương màng nhầy ruột, ngăn cản sự hấp thu các phân tử micelle (sản phẩm của sự phân hủy lipid) một cách bình thường. Hậu quả là chất béo bị tích lại trong lòng ruột và đào thải ra ngoài.
Tắc mạch bạch huyết: là tình trạng hệ bạch huyết bị chặn, tổn thương do bẩm sinh hoặc sau chấn thương. Lúc này, tập hợp các chất béo bị chặn lại, không thể di chuyển từ ruột vào hệ bạch huyết. Chúng tích tụ lại trong lòng ruột và bị đào thải qua phân.
Xơ gan và tắc mật. Khi mắc bệnh xơ gan, gan không tiết đủ axit mật để phân giải chất béo. Nếu người bệnh bị tắc mật, mật không được tiết vào ruột, dẫn đến chất béo không được chuyển hóa và tình trạng phân mỡ xuất hiện.
Thiếu dịch tụy (thiểu năng tụy ngoại tiết): là tình trạng tụy mất đi hơn 90% chức năng, làm suy giảm khả năng sản xuất các enzyme phân giải chất béo trong lòng ruột. Điều này dẫn đến các phân tử chất béo không được phân giải và không được cơ thể hấp thu.
Một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra tình trạng phân mỡ như nhiễm độc giáp (tình trạng tuyến giáp sản sinh ra quá nhiều hormone), hội chứng ruột kích thích, nhiễm ký sinh trùng Giardia, đái tháo đường, bệnh viêm da dạng herpes…
Bác sĩ Thành chia sẻ thêm, nếu không điều trị kịp thời, phân mỡ có thể dẫn đến nguy cơ loãng xương do giảm hấp thu canxi, tăng nguy cơ mắc các bệnh ác tính như ung thư biểu mô thực quản và ruột non, u lympho hoặc biến chứng viêm lan tỏa tá tràng – hồi tràng, vô sinh… Bệnh xảy ra ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tìm hạt mỡ trong phân nhằm đo lường lượng chất béo. Các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm định tính, quan sát hình ảnh mỡ trực tiếp dưới kính hiển vi và đánh giá; xét nghiệm định lượng bằng cách thu thập tất cả lượng phân trong vòng 24 giờ. Kết quả xét nghiệm bình thường khi lượng hạt mỡ trong vòng 24 giờ ở phân người lớn là 2-7g và ở trẻ em ít hơn 1g. Sau khi xác định người bệnh xuất hiện tình trạng phân mỡ, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các kỹ thuật chuyên môn khác như xét nghiệm máu, sinh thiết… để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Bác sĩ Đình Thành cho biết, phương pháp tốt nhất để chấm dứt phân mỡ là điều trị các bệnh lý dẫn đến tình trạng này. Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, hướng dẫn thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Người bệnh cần lưu ý những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể và thăm khám ngay khi phát hiện bất thường.
Phi Hồng